(VNF) – 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương dẫn đầu cả nước với 2,53 tỷ USD vốn FDI, tăng 98,2% so với cùng kỳ. Đây là cơ hội lớn để bất động sản (BĐS) công nghiệp Bình Dương gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Hơn 2 nghìn dự án FDI đổ về Bình Dương

Tháng 7 vừa qua, Pandora – thương hiệu trang sức Đan Mạch đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III (VSIP III) tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD. Ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc chuỗi cung ứng Tập đoàn Pandora cho biết, đây là dự án xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên của Pandora tại Việt Nam, đáp ứng 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm và tạo ra việc làm cho hơn 6.000 người, 100% sản phẩm sẽ được xuất khẩu đến các thị trường lớn trên toàn cầu.

Công nghiệp chất lượng cao là mục tiêu phát triển lâu dài của tỉnh Bình Dương

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển BĐS công nghiệp cao so với cả nước. Quy hoạch được Thủ tướng chấp thuận tổng cộng 34 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất là 14.790 ha. Đến nay tỉnh đã thành lập 29 KCN với diện tích đất 12.662,81 ha, tăng mạnh về lượng.

Trong đó, đã có 27 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất là 10.900 ha. Các KCN đã cho thuê tổng diện tích đất là 6.700 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 89%. Tổng số lao động tại các KCN này là 480.000 người trên tổng số lao động toàn tỉnh là 1.700.000 người.Các KCN đã thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng KCN, triển khai nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển khu công nghiệp, khu đô thị nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp đầu tư.

BĐS công nghiệp gia tăng về “chất”

Năm 1995, KCN đầu tiên mang tên Sóng Thần 1 ra đời tại Bình Dương, tiếp đó là các KCN Việt Nam – Singapore (VSIP), Đồng An, Mỹ Phước… đều đi vào hoạt động với công suất tối đa. Qua gần 25 năm hình thành và phát triển, Bình Dương luôn đảm bảo phục vụ và thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp.

KCN Bình Dương tăng cả lượng và chất

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực Dĩ An, Thuận An đã gần như cạn kiệt, Bình Dương đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn đến các khu vực còn nhiều diện tích trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên.

Trong đó, quỹ đất dành để phát triển KCN tại huyện Bàu Bàng có 1.000ha, huyện Bắc Tân Uyên có 215ha, TX. Tân Uyên có 1.630ha, TX. Bến Cát có 3.200ha và thành phố Thủ Dầu Một có 765ha.Đặc biệt, KCN huyện Bàu Bàng được xây dựng theo mô hình vùng đổi mới sáng tạo. Đây là chương trình có mô hình 5 lớp gồm: Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng; xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế cân bằng; chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển công nghiệp công nghệ cao hay công nghiệp 4.0 là lớp thứ 4 của đề án với mong muốn thúc đẩy chuyển đổi sang một mô hình sản phẩm mới với từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, phát triển các KCN thông minh, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tự động hóa trong việc quản lý, vận hành các KCN.

Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam và xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư trong KCN đang gia tăng, việc xây dựng các KCN đổi mới sáng là cần thiết để tăng về chất lượng. Ngoài ra, tỉnh còn ưu tiên các dự án BĐS KCN xanh, sinh thái xanh.

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư nước ngoài, hiện thị trường BĐS công nghiệp Bình Dương còn một số nút thắt cần tháo gỡ như việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng xung quanh các khu công nghiệp quá chậm do “nghẽn” thủ tục, chính sách. Chưa kể, nhiều cơ sở hạ tầng được thiết kế, xây dựng chưa phù hợp với từng địa bàn, gây khó khăn cho việc vận chuyển logistics.

Một số chuyên gia cũng cảnh báo, tỉnh Bình Dương cần thận trọng trong việc nhiều dự án BĐS công nghiệp nhưng lại thiếu dịch vụ, thiếu kết nối hạ tầng, thiếu liên kết giữa các địa phương trong phát triển khu công nghiệp.

Dù có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên việc tăng giá cho thuê trong các khu BĐS công nghiệp nếu không đi kèm với việc tăng dịch vụ sẽ triệt tiêu cạnh tranh của ngành so với quốc tế dù chúng ta thấy đây đang là xu hướng tất yếu theo cung cầu.

Nguồn: vietnamfinance.vn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *