Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, với BĐS lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Quan trọng nhất là nhà đầu tư (NĐT) muốn tìm kiếm loại hình BĐS nào để bỏ tiền, đảm bảo sinh lợi ổn định, bền vững.
Dòng tiền của NĐT xoay chuyển chóng mặt?
Điều dễ nhận thấy trên thị trường thời gian qua là bên cạnh kênh đầu tư vàng, chứng khoán thì BĐS cũng sôi động không kém khi dòng tiền của NĐT liên tục “đổi ngôi”. Thời điểm chứng khoán, vàng sôi động thì dường như dòng tiền của giới đầu tư ngay lập tức thiên mạnh về các kênh này. Tuy nhiên, có vẻ chỉ là cuộc chơi ngắn hạn, BĐS vẫn là kênh được giới đầu tư ngắm đến trong dài hạn. Thực tế đã minh chứng, khá nhiều NĐT sau khi rút khỏi chứng khoán liền bỏ tiền vào BĐS để chờ cơ hội.
Theo các chuyên gia trong ngành, trong gần một năm qua, mhiều kỷ lục được thiết lập của các kênh đầu tư khiến dòng tiền xoay chuyển chóng mặt từ các kênh đầu tư an toàn sang kênh đầu tư rủi ro, nhưng có lợi nhuận cao hơn. Dự báo năm Tân Sửu kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, tiền ảo… vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Theo các chuyên gia trong ngành, các kênh đầu tư chứng khoán, tiền ảo, vàng đang chia sẻ dòng tiền đầu tư vào BĐS, nhưng BĐS sẽ còn nhiều cơ hội phục hồi. Thực tế, giao dịch BĐS đang ấm dần lên những tháng gần đây bất chấp dịch bệnh.
Theo dự báo, vàng có thể tiếp tục tăng giá trở lại vào năm 2021 khi dòng tiền kích thích kinh tế được các quốc gia, đặc biệt là Mỹ bơm ra thị trường. Tuy nhiên, đầu tư vàng chỉ thích hợp cho nhà đầu tư dài hạn và phải lựa chọn thời điểm giá vàng trong nước và thế giới ít chênh lệch.
Tương tự, chứng khoán dự báo cũng có sự phục hồi tốt năm 2021. Với chứng khoán, năm 2020 là năm đầu tư khá thành công với nhiều nhà đầu tư cá nhân, song số lượng nhà đầu tư thua lỗ cũng không ít. Để thành công trên thị trường này, các chuyên gia phân tích cho rằng, nhà đầu tư phải biết phân tích, theo dõi dòng tiền, nếu không vẫn thua lỗ như thường.
Thị trường BĐS tuy hồi phục chậm hơn, song theo một số chuyên gia sẽ ấm hơn năm 2021. Đặc biệt, nhiều phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu thực và BĐS khu công nghiệp đã bắt đầu ấm trở lại. Chuyên gia đánh giá, tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường BĐS vẫn rất lớn, giá nhà không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, ngoài BĐS du lịch nghỉ dưỡng dự báo khó khăn còn kéo dài, tất cả phân khúc thị trường BĐS khác vẫn rất tiềm năng. Hiện lãi suất thấp đang tạo điều kiện tích cực cho BĐS phục hồi. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay không phải là thời của BĐS đầu cơ.
Theo vị chuyên gia này, các NĐT nên bám sát các chính sách vĩ mô của nhà nước, theo sát các chính sách hỗ trợ. 2021 là năm tạo sự chuyển biến và mang sự ý nghĩa tích cực với nhân sự mới, cải cách quyết liệt. Việt Nam sẽ phải thể hiện xuất sắc trên trường quốc tế với các đối tác quan trọng.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, cơ hội cho thị trường BĐS 2021 là rất lớn, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Nhưng chúng ta cũng nên lưu ý phòng tránh rủi ro về pháp lý, kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tài chính, tín dụng doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro quy mô doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, chú ý giữ tiền mặt với tỷ trọng lớn để sẵn sàng đón cơ hội kinh tế phục hồi, thay vì nôn nóng rót vốn vào các kênh đầu tư rủi ro.
Tiền vẫn đổ vào BĐS?
Theo dự báo năm 2021, có khả năng các ngân hàng thương mại sẽ dư thừa dòng tiền, chính sách lãi suất cho vay mua nhà ở sẽ ngày càng hấp dẫn, các NĐT có thể trông chờ vào việc tận dụng những lợi thế này để tiếp tục “đổ tiền” vào BĐS.
Thị trường BĐS đã trải qua một thời gian dài đầy biến động. Trước khi dịch bệnh Covid-19 tới, thị trường đã có nhiều khó khăn, nhất là về nguồn cung mới. Nguồn cung sụt giảm mạnh nhất là ở 2 thị trường BĐS lớn Hà Nội và TP.HCM. Khi nguồn cung BĐS giảm, NĐT cũng dần dịch chuyển dòng tiền vốn sang đầu tư theo hướng khác. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng đến nhiều ngành kinh tế, dòng tiền của NĐT không biết chuyển đi đâu để bảo toàn nguồn vốn, cuối cùng lại đổ vào BĐS.
Ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills Việt Nam cho biết, dù đà “giảm tốc” của thị trường BĐS diễn ra ngày càng rõ rệt ở nguồn cung và sức cầu. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn này là cơ hội cho các doanh nghiệp hay cá nhân có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư BĐS. Đây có thể coi là thời điểm vàng dành cho các thương vụ mua bán và sát nhập các dự án BĐS tại Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Một chuyên gia BĐS tại Tp.HCM cũng nhận định, dòng vốn trong năm 2021 sẽ vẫn tập trung vào các kênh đầu tư chính là chứng khoán và BĐS. Giữa việc chọn gửi ngân hàng với mức lãi suất rất thấp, vàng đã qua giai đoạn cao điểm, trái phiếu doanh nghiệp không còn màu mỡ thì chứng khoán vẫn tiếp tục là kênh trú ẩn tạm thời có tính thanh khoản cao. Tuy vậy, với giới đầu tư trung và dài hạn, BĐS mới là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Tâm lý đầu tư của người Việt dù giai đoạn nào cũng luôn có niềm tin vào việc tăng giá của BĐS, đặc biệt, khi dân số ngày càng gia tăng, đất đai không thể mở rộng.
Tại hội thảo mới đây, hầu hết các chuyên gia nhận định, năm 2021, NĐT ngắn hạn sẽ ưu tiên nguồn vốn đổ vào chứng khoán, còn giới đầu tư trung và dài hạn thì BĐS vẫn là sân chơi được ưu ái nhiều nhất. Tại báo cáo thị trường bất động sản năm 2020 của Công ty DKRA, ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận R&D cho biết, trong năm 2021, đất nền được dự đoán sẽ là kênh đầu tư ưa chuộng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tăng mạnh ở hầu hết các địa phương và quận, huyện ngoại thành Tp.HCM.
Đánh giá về tín dụng BĐS, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, kênh tín dụng ngân hàng cho vay BĐS vẫn tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây. Con số này tính đúng tính đủ vào khoảng 7 – 8%/năm vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, ở mức 13 – 14%. Tín dụng BĐS vẫn tăng, có nghĩa thị trường không đóng băng, mà đang có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư theo hướng lành mạnh hơn.
Vị chuyên gia này cho biết, hiện BĐS vẫn luôn là một trong 3 lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất tại Việt Nam (hai lĩnh vực còn lại là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện). Thống kê trên trang web của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH-ĐT hoặc của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 3/2020, dù thị trường BĐS chịu tác động kép của dịch Covid-19 đợt 2 nhưng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS tăng đến 400% so với quý 2/2020. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2020, vốn FDI chảy vào BĐS đạt 3,2 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng lượng vốn FDI đăng ký mới. Đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển trong lĩnh vực BĐS nói riêng và đóng góp quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung.
Nguồn: Cafefvn