Hầu hết các phân khúc bất động sản tại phía Nam đều ghi nhận nguồn cung tăng nhưng mức giá vẫn tăng theo đó.
Theo báo cáo thị trường bất động sản DKRA Vietnam tại TP. HCM và các tỉnh giáp ranh, trong tháng 4/2022, phân khúc đất nền có 10 dự án mở bán, trong đó, 5 dự án mới và 5 dự án giai đoạn mở bán tiếp theo. Tỷ lệ hấp thụ trên 82%, cụ thể nguồn cung có 1.602 nền, tăng 12%, tiêu thụ đạt 1.320 nền, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo DKRA, Long An dẫn đầu thị trường, chiếm 63% tổng nguồn cung và 64% lượng tiêu thụ mới trong tháng, các dự án mở bán tập trung tại huyện Đức Hòa và Cần Giuộc. Tuy nhiên với việc địa phương này dừng cấp phép hoạt động tách thửa, nguồn cung mới tại thị trường này có thể sụt giảm đáng kể trong thời gian tới.
Phần lớn những giai đoạn tiếp theo các dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Đồng Nai ghi nhận mức giá sơ cấp điều chỉnh tăng từ 3% – 7% so với thời điểm mở bán vào đầu năm.
HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung đất nền mở bán mới, chủ yếu là các dự án cá nhân tự đứng ra phân lô, quy mô nhỏ lẻ tập trung các huyện vùng ven thuộc khu Nam, tiếp giáp với ranh giới tỉnh Long An.
Những thông tin định hướng quy hoạch lên quận/thành phố của các huyện vùng ven TP. HCM (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh,…) tác động lên giá chào bán thứ cấp ở các dự án, ghi nhận phổ biến tăng 10% – 18% so với thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường ở mức thấp, hầu như rất ít giao dịch phát sinh trong tháng.
Về phân khúc căn hộ, nguồn cung có 2.491 căn, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước, đến từ 10 dự án, trong đó 3 dự án mới và 7 dự án ở giai đoạn tiếp theo. Tiêu thụ đạt 2.097 căn, đạt tỷ lệ 84%, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn cung mới tiếp tục tập trung tại TP. HCM và Bình Dương, trong đó TP. HCM chiếm đến 77% tổng nguồn cung và 81% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường trong tháng. Hầu hết các dự án tại Bình Dương mở bán trong tháng có thời gian booking ngắn (từ 2 – 3 tháng), lượng sản phẩm mở bán khiêm tốn, dao động từ 100 đến dưới 200 căn ở mỗi dự án. Các thị trường còn lại: Long An, Đồng Nai, BR-VT và Tây Ninh, không ghi nhận phát sinh nguồn cung mở bán mới trong tháng. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục đà phục hồi, đặc biệt là tại thị trường TP. HCM. Các sự kiện mở bán, training, kick-off sales được triển khai trở rầm rộ trở lại, góp phần gia tăng hiệu quả bán hàng ở các dự án.
Riêng tại TP. HCM nguồn cung chiếm 6/10 dự án, gồm 3 dự án mới và 3 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo, đạt 1.917 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 1.698 căn, tương đương 89%.
Theo DKRA, nguồn cung mới tập trung tại khu Đông (TP. Thủ Đức), chiếm 64% nguồn cung và 70% lượng tiêu thụ mới trong tháng. Phân khúc căn hộ hạng B giữ vị trí chủ đạo, chiếm 71% nguồn cung và 69% lượng tiêu thụ mới được ghi nhận trong tháng. Nguồn cung cũng như sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục duy trì đà hồi phục, tuy nhiên đa phần các dự án có thời gian truyền thông, booking khá dài, lên đến 4 – 5 tháng. Các dự án mở bán trong tháng đều có pháp lý hoàn thiện, đáp ứng được các yêu cầu để mở bán ra thị trường, sở hữu tiến độ xây dựng nhanh chóng. Nguồn cung mới khan hiếm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao tiếp tục là những yếu tố gây áp lực lên giá bán sơ cấp ở các dự án. Căn hộ hạng C, nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu ở thực tiếp tục vắng bóng tại TP. HCM.
Đối với phân khúc nhà phố/biệt thự nguồn cung đến từ 14 dự án (5 dự án mới và 9 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo), có 1.728 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt 58%, tương đương 1.001 căn, tăng 8% so với tháng 4/2021.
DKRA cho biết, nguồn cung mới tăng mạnh, hơn gấp 7 lần so với tháng trước và gần 3 lần so với 3 tháng đầu năm 2022. TP. HCM và Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu nguồn cung khi chiếm 64% tổng nguồn cung toàn thị trường. Riêng Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh 3 tháng liên tiếp không ghi nhận nguồn cung mới. Lượng tiêu thụ có sự khởi sắc với số căn bán ra gấp 2.6 lần so với tổng lượng tiêu thụ 3 tháng đầu năm và tập trung chủ yếu tại những dự án quy mô lớn, quy hoạch đồng bộ và được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh. Mức giá bán sơ cấp ghi nhận tăng trung bình 3% – 10% so với tháng trước, tuy nhiên nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm hỗ trợ khách hàng.
Giá bán thứ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước, giao dịch thứ cấp kém sôi động, tập trung chủ yếu tại những dự án đã bàn giao nhà, pháp lý hoàn thiện và có hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi.
Thông tin về nhà phố/biệt thự tại TP. HCM, đơn vị này cho biết, nguồn cung và lượng tiêu thụ có sự phục hồi tích cực so với tháng trước, tập trung phần lớn tại khu Đông khi chiếm xấp xỉ 69% tổng nguồn cung và 68% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường. Mặt bằng giá sơ cấp tăng 5% – 10% so với tháng trước. Tuy nhiên các chủ đầu tư kèm theo nhiều chính sách nghiêng về hỗ trợ tài chính cho khách hàng nhằm góp phần kích cầu thị trường. Việc nguồn cung tại TP. HCM khan hiếm và mặt bằng giá ngày càng tăng là nguyên nhân khiến một lượng lớn khách hàng đã chuyển sự quan tâm sang thị trường các tỉnh giáp ranh – nơi có nguồn cung đa dạng và mức giá bán còn tương đối thấp. Dự kiến trong tháng tới, nguồn cung phân khúc nhà phố/biệt thự tại TP. HCM sẽ tiếp tục tăng và tập trung chủ yếu tại khu Đông.
Nguồn: cafef.vn