Những vùng đất bỏ hoang bỗng chốc trở thành “mỏ vàng” vì cơn sốt đất ảo. Hàng trăm nhà đầu tư đổ xô đi mua và không ít người khóc hận khi cơn sốt đất qua đi.
Nhốn nháo lạ thường vì con sốt đất ảo
Ngày 19.2, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã đến khu vực sân bay Técníc (huyện Hớn Quản, Bình Phước) để khảo sát vị trí lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng. Chỉ vài ngày sau tin này, hàng trăm chiếc ôtô biển số các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM nối đuôi nhau chở giới đầu cơ và cò đất lên Hớn Quản, Bình Phước. Giới đầu cơ nhanh chóng nhắm vào đất nông nghiệp hai bên đường các xã Tân Lợi, An Khương (gần sân bay Técníc) với mục đích đi trước đón đầu, tranh thủ để lướt sóng, kiếm lời trên những mảnh đất đang trồng cây caosu.
Tại đây, giới đầu cơ và cò đất đã tỏa đi gõ cửa nhà dân mồi chài mua bán đất. Nhóm người này tự làm giá, đẩy giá lên cao để thuyết phục người dân. Khi người địa phương đồng ý bán, họ lập tức xuống cọc, lấy sổ đất đi phôtô hàng chục bộ để rao bán. Nhóm nào nhanh chân thì gom được những thửa đất ngay mặt đường, có vị trí gần trung tâm, cửa ngõ gần sân bay dự kiến. Những tốp vào sau đi sâu vào các hộ dân ở trong rẫy caosu. Trong những ngày cuối tháng 2.2021, hàng trăm nhà đầu tư bất động sản với hàng trăm chiếc ô tô nối đuôi nhau đậu kín các con đường xã Tân Lợi và An Khương.
Những người dân địa phương quanh năm chỉ biết làm nông nghiệp, bỗng dưng thấy đoàn xe sang trọng với những nhà đầu tư bất động sản lên chèo kéo. Ban đầu còn chần chừ nửa tin nửa ngờ. Tuy nhiên khi thấy giới đầu cơ đẩy giá mỗi mét ngang lên cả 100 triệu đồng kèm theo lời hứa hẹn, nhiều người đã đồng ý bán đất nông nghiệp mà mình canh tác bao năm nay. Sau khi đặt được cọc mua đất, giới đầu cơ bắt đầu thổi giá, 1m ngang dài 40-50 có giá từ 200-350 triệu đồng. Cò đất cầm cả tập sổ hồng phôtô đứng bên đường rao bán đất như bán rau. Nhà đầu tư thì nháo nhào chạy tìm lô đất ưng ý để đặt cọc, sang tay kiếm lời ngay trong ngày. Nhiều thửa đất sát mặt đường, máy múc được huy động ầm ầm san ủi mặt bằng. Từ một vùng quê yên tĩnh bỗng trở nên nhốn nháo lạ thường.
Nguy cơ ôm nợ sau khi sốt đất qua đi
Chỉ nửa tháng sau cơn sốt đất, chúng tôi trở lại xã An Khương và Tân Lợi, huyện Hớn Quản – vùng phụ cận sân bay Técníc Hớn Quản. Vùng quê đã trở lại yên bình, không còn tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người huyên náo. Sự yên ắng, trái ngược với cảnh náo nhiệt, xe ôtô tấp nập làm loạn cả một đoạn dài trên tuyến đường liên xã những ngày cuối tháng 2.2021. Tuyến đường liên xã An Khương – Tân Lợi đã không còn nhiều điểm tư vấn mua bán đất, băngrôn rao bán và quảng cáo cũng đã được gỡ bỏ. Giới “cò” đất đã không còn cắm chốt, chèo kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất như những ngày trước đó.
“Cách đây một tuần có những miếng đất được cò rao bán với giá 350 triệu đồng cho 1m ngang mà nhiều người vẫn tranh nhau mua. Còn hôm nay thì giá đã hạ xuống 200 triệu đồng nhưng vẫn ế” – bà Phan Thị Thủy, người dân địa phương cho biết. Lần theo số điện thoại trên bảng rao bán đất nền còn sót dọc hai bên đường, phóng viên ghi nhận hầu hết là số điện thoại của giới đầu cơ và cò đất. Họ không còn hét giá trên trời như những ngày trước, “200 triệu đồng 1m ngang anh ơi. Em kêu giá để bán chứ những ngày trước 350-400 triệu đồng” – một nhà đầu cơ báo giá.
Ở một thửa đất đang rao bán tại ấp 5 xã An Khương (ngang 10m, dài 60m), qua số điện thoại rao bán, một người phụ nữ cho biết, đất này chưa có thổ cư, giá bán là 2,4 tỉ đồng. Những ngày trước, thì phải 3,5 tỉ đồng mới bán. Người này cho biết thêm, nếu đặt cọc, công chứng thì 2 tháng sau sẽ có “sổ đỏ”. Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ thửa đất này là bà T.Th (người địa phương) đã nhận cọc bán với giá 2 tỉ đồng cách đây 10 ngày.
Một trường hợp khác, nhà đầu cơ đã ôm khu đất nông nghiệp rộng nhiều hécta với giá 23 tỉ đồng, với ý định “lướt sóng”. Người này đã đặt cọc 4 tỉ đồng cho chủ đất là ông N.V.A. Hôm sau, có một nhóm khác đến hỏi và trả giá mua khu đất của N.V.A với giá 30 tỉ đồng. Biết rằng đây là chiêu trò của giới cò đất để dụ dỗ mình phá cọc và đền bù nên ông N.V.A quyết định không bán. Hiện nhà đầu cơ ban đầu vẫn chưa tìm được người để bán ra. Người dân địa phương cho biết, lô đất trên chỉ có giá khoảng vài tỉ đồng. Nếu vẫn quyết tâm mua bán thì xem như nhà đầu cơ ban đầu trên bị lỗ cả chục tỉ đồng, còn nếu như bỏ cọc thì mất 4 tỉ đồng.
Đầu tư chạy theo thông tin, bài học đắt giá
Theo ghi nhận, các giao dịch trên chỉ dừng lại ở bước đặt cọc giữa giới đầu cơ với chủ đất là người dân địa phương. Sau đó, giới đầu cơ phôtô sổ đất để cò đất rao bán. Theo bà Kim Oanh – Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, trên thực tế đến thời điểm này chính quyền địa phương chưa cấp dự án phân lô bán nền nào để xây dựng khu dân cư. Từ ngày 19.2 đến nay, cơ quan chức năng chưa ghi nhận hồ sơ giao dịch chuyển đổi biến động đất nào đúng pháp luật tại đây.
Những “kịch bản” cơn sốt đất cũng từng diễn ra tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cách đây một năm, hay xa hơn vào năm 2019 tại Phan Thiết, Bình Thuận cùng với một kịch bản. Ví dụ điển hình nhất là cơn sốt đất Bình Ba khiến không ít nhà đầu tư thứ cấp phải “khóc ròng” vì không kịp thoát.
Ông Nguyễn Duy Phương – chuyên viên phân tích đầu tư cao cấp của CTCK VCS – cho rằng không thể phủ nhận, nhiều nhà đầu tư thắng lớn do đón đầu quy hoạch, hạ tầng… Thế nhưng, ngược lại cũng không ít trường hợp nhà đầu tư “ôm hận” vì chạy theo những thông tin mãi chỉ nằm trên giấy. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cơn sốt đất diễn ra ở các khu vực từ trước đến nay. Tâm lý của giới đầu tư, đặc biệt đầu tư lướt sóng là ở đâu có thông tin tốt liền dồn về đó để “kiếm lời”. Nhiều cơn sốt đất chóng vánh diễn ra cũng từ những hoạt động mua bán qua tay của giới đầu cơ. Thậm chí, dân đầu cơ dùng các chiêu trò để thổi giá để kiếm lợi từ nhà đầu tư khác. Bài học nhãn tiền đã để lại từ nhiều cơn sốt đất ở các khu vực phía Bắc, phía Nam. Rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp “cuối cùng” phải ôm những quả bom nổ chậm, chôn vốn vì đầu tư kiểu lướt sóng, chạy theo thông tin.
Sốt đất sẽ hình thành nên “bong bóng” giá, từ đó gây bất ổn trong cung cầu. Khối “bong bóng” này ngày càng lớn khi thị trường phát triển không bền vững và khối “bong bóng” này xì hơi sẽ gây ra tình trạng đổ vỡ dây chuyền, khiến nền kinh tế thiệt hại trong dài hạn. Nhà đầu tư nên có cái nhìn toàn diện hơn để có quyết định chính xác hạn chế rủi ro tránh tình trạng “chết đuối… trên núi”.
Nguồn: laodong.vn