“Đồng ý với việc thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép; tập trung phát triển khu vực Cái Mép – Thị Vải ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045”…

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc giữa Đoàn Công tác của Chính phủ với tỉnh BR-VT về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quý I/2021 diễn ra sáng 20/3. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đại diện các bộ, ngành trung ương.

Về phía tỉnh BR-VT, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã tham dự buổi làm việc.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Công tác của Chính phủ đã thị sát hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải.

Hàng hóa qua cảng tăng gần 20%/năm

Báo cáo với Đoàn Công tác tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: trên địa bàn tỉnh có 48/69 cảng được đưa vào sử dụng, với tổng chiều dài bến cảng 14km, tổng công suất hơn 140 triệu tấn/năm. Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng đầu tiên của Việt Nam nằm trong 20 cảng trên thế giới có thể đón được tàu container siêu lớn gần 200 ngàn tấn.

Trong 3 năm qua, lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh. Trước đây, hàng hóa chủ yếu qua cảng Sài Gòn thì hiện nay tỷ lệ 60% qua cảng Sài Gòn, 40% qua cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Riêng năm 2020, khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Đặc biệt, tháng 1 vừa qua, cảng Gemalink có công suất 2,5 triệu TEU đã đi vào hoạt động. Đây là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept (đơn vị góp 75% vốn) cho biết, mức đầu tư của cảng Gemalink là 520 triệu USD, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành với tổng vốn 330 triệu USD. Cảng sẽ được khai trương vào tháng 5/2021 và sẽ khai thác ít nhất 80% công suất thiết kế trong năm nay, khai thác hết công suất 1,5 triệu TEU của giai đoạn 1 từ năm 2022. Khi giai đoạn 2 hoàn thành, cảng có thể đón được tàu lớn nhất thế giới với trọng tải 250 ngàn tấn. Việc đưa cảng vào hoạt động sẽ góp phần giảm chi phí logistics quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Đại diện các cảng nhận định, với tốc độ tăng trưởng qua các cảng gần 20% mỗi năm như hiện nay, chủ yếu là hàng tuyến đi xa, sử dụng tàu lớn, chỉ cần 3 năm nữa là lượng hàng qua cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải sẽ tăng gấp đôi.

Tiếp tục đầu tư phát triển cảng biển

Dù tốc độ hàng hóa qua cảng biển tăng hằng năm nhưng đến nay công suất khai thác vẫn chưa đạt hết tiềm năng. Trước thực tế này, để phát huy vai trò hệ thống cảng nước sâu khu vực Cái Mép – Thị Vải, đại diện các bộ, ngành, địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; nạo vét luồng sông, tăng độ sâu để đón tàu lớn hơn… Ngoài các ý kiến trên, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy còn đề xuất nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do Free Zone ở khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, mức tăng trưởng của các cảng biển ở BR-VT mức 20% là rất đáng mừng. Thủ tướng cho rằng, vùng Đông Nam Bộ phát triển là nhờ có cảng. Ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhất trí với việc nạo vét đoạn luồng từ phao số 0 đến khu bến container Cái Mép đạt độ sâu -15,5m cho tàu lớn ra vào thuận tiện.

Thủ tướng cũng đồng ý việc tổ chức các tuyến đường thủy nội địa kết nối với khu vực, đặc biệt là với Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch hệ thống bến bãi gom hàng, cảng cạn, thực hiện dịch vụ logistics; ủng hộ đề xuất sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, xây dựng cầu Phước An (đã được ghi vốn); ưu tiên đầu tư Trung tâm logistics Cái Mép Hạ để thúc đẩy dịch vụ cảng tại Cái Mép; nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép-Thị Vải nhằm kết hợp vận tải giữa hàng không và đường thủy.

cang-cai-mep-thi-vai-thanh-do
Tàu của hãng CMA CGM cập cảng Gemalink làm hàng

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu dự án đường sắt Biên Hòa – Cái Mép như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc – Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng miền đến Cái Mép – Thị Vải. “Đồng ý với việc thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép; tập trung phát triển khu vực Cái Mép – Thị Vải ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguồn: baria-vungtau.gov.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *