Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh nhất tới toàn bộ thị trường bất động sản và dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Giới chuyên gia nhận định, bất động sản nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp, sẽ phục hồi trở lại nhanh nhất ngay sau khi dịch được kiểm soát.
Bất động sản công nghiệp, du lịch, nhà ở sẽ bật dậy
Ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA) nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ nửa cuối năm 2019 đến nay. Đặc biệt hơn, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, đã tác động mạnh nhất tới thị trường BĐS và dự báo sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong khó khăn sẽ có những cơ hội đan xen, thị trường BĐS sớm phục hồi hay không phần lớn phụ thuộc rất lớn vào tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Trước hết, đề cập đến những khó khăn, ông Đỗ Viết Chiến cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật thiếu hoặc chưa đồng bộ. Sự đan xen chồng chéo giữa các văn bản pháp luật của các cơ quan với nhau. Những sản phẩm BĐS đã hình thành trong thực tế nhưng văn bản pháp luật lại chưa hình thành.
Trong giai đoạn vừa qua, nhiều thủ tục hành chính được các ngành, các cấp đơn giản rất nhiều. Tuy nhiên, trong kiến nghị của các doanh nghiệp gửi lên thì vẫn còn rất nhiều khó khăn ở vấn đề này như ở các thủ tục đầu tư. Việc tiếp cận nguồn vỗn của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn…
Chuyên gia này cho hay, thị trường còn rất nhiều dự án ma. Tình trạng sốt đất vẫn diễn ra và điều này là do hệ thống thông tin đến không đầy đủ. Nhà đầu tư xuống tiền do phong trào chứ không có sự tính toán kỹ. Vấn đề ở đây là sự minh bạch thông tin, vì vậy, cần phải có kênh thông tin đáng tin cậy làm chỗ dựa vững chắc cho thị trường và nhà đầu tư.
Nêu triển vọng thị trường, ông Đỗ Viết Chiến cho rằng, thị trường sẽ vừa có cơ hội và thách thức đan xen. Một số phân khúc BĐS vẫn duy trì và nếu kiểm soát được dịch bệnh thì sẽ phát triển nhanh đó là phân khúc nhà ở. Chuyên gia này cũng cho rằng, tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở, do đó nguồn cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn. Tổng nhu cầu về nhà ở lên tới hàng trăm triệu m2. Tuy nhiên, số lượng này không hoàn toàn tập trung ở phân khúc cao cấp mà chiếm đa số là nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh; tính pháp lý của thị trường này vẫn chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu như giải quyết được các điểm nghẽn này thì phân khúc này sẽ trở thành một trong những điểm sáng của thị trường.
Không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn từ tác động của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên phân khúc BĐS khu công nghiệp được ghi nhận là một mảng sáng hiếm hoi của thị trường. Nguồn cung mới đất khu công nghiệp tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. 6 tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS khu công nghiệp làm ăn tốt, báo lãi lớn.
Kinh tế đô thị, đòn bẩy giúp thị trường bất động sản phát triển
Chuyên gia Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng, hiện nay thị trường BĐS vẫn phát triển và ấm lên bất chấp diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo chuyên gia này, lực đẩy quan trọng cho các nhà đầu tư và thị trường BĐS phát triển là việc Bộ Xây dựng phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch TP. Hồ Chí Minh và TP. Thủ Đức, trong đó xác định TP. Hồ Chí Minh là thị trường BĐS lớn nhất của cả nước.
Chuyên gia này dẫn chứng thêm, trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII (nghị quyết) mới đây cũng đề cập vấn đề đô thị hoá, theo đó, nghị quyết đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Đồng thời, hiện Ban Kinh tế Trung ương cũng đang soạn thảo nghị quyết về một số chủ trương, chính sách phát triển đô thị và kinh tế đô thị dự kiến trình Bộ Chính trị ban hành trong tháng 8/2021.
Như vậy, lần đầu tiên Bộ Chính trị sẽ có một nghị quyết riêng về đô thị hoá và kinh tế đô thị. Qua đó cho thấy, đô thị hoá đang là vấn đề nóng bỏng và rất cần thiết của mỗi quốc gia, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, nghị quyết sẽ nhấn mạnh chúng ta phát triển đô thị mạng lưới với hai đô thị đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội.
“Thống kê cho thấy, hiện 7,5 – 8% GDP nằm trong hệ thống đô thị, hội tụ ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng…, là những thành phố quan trọng đóng góp vào đô thị hoá, công nghiêp hoá của đất nước. Bất kỳ đất nước nào muốn phát triển cũng phải đô thị hoá, đô thị hóa sẽ tạo ra quỹ đất mới cho thị trường BĐS, là đòn bẩy mạnh mẽ nhất giúp thị trường BĐS phát triển” – ông Chính nói.
“Tình hình dịch rồi cũng sẽ được kìm chế, điều đó sẽ tạo hơi thở cuộc sống và xu hướng cho thị trường trong thời gian tới đây” – ông Chính kỳ vọng.
Theo Thời báo tài chính Việt Nam