Phân khúc BĐS hàng hiệu đang chứng kiến sự phát triển nhanh ở Việt Nam.
Thị trường bất động sản hàng hiệu ghi nhận mức tăng trưởng 230% trong vòng một thập kỷ qua. Hiện nay, trên thế giới có khoảng gần 100.000 căn hộ trong lĩnh vực này. Nguồn cung được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi trước năm 2026, gắn liền với sự gia tăng về số lượng thương hiệu hoạt động, từ 69 thương hiệu vào năm 2011 lên 133 thương hiệu vào năm 2021.
Trước đây, đa số các dự án bất động sản hàng hiệu tập trung ở Bắc Mỹ, cũng là nơi đầu tiên xuất hiện các sản phẩm bất động sản này. Hiện nay, nguồn cung đã được phân bổ đa dạng sang các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng về tài sản tại mỗi nước trong thập kỷ qua.
Xét về quy mô thị trường theo quốc gia, Mỹ đang dẫn đầu thế giới, đứng thứ hai là Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở vị trí thứ ba.
Xét về nguồn cung, Bắc Mỹ đứng số một toàn thị trường thế giới tính tới năm 2013. Hiện nay, khu vực này chiếm 35% tổng nguồn cung. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương ghi nhận mức tăng trưởng sát kề với 26% và đứng vị trí thứ hai trên toàn cầu.
Loại hình bất động sản hàng hiệu sẽ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ở quy mô toàn cầu với những điểm nóng mới xuất hiện. Trong năm năm tới, Costa Rica, Nigeria, Quần đảo Cayman và Ai Cập được dự báo sẽ gia tăng gấp đôi nguồn cung hiện tại (với điểm xuất phát thấp). Tính đa dạng về nguồn cung toàn cầu sẽ càng nổi bật hơn với sự tham gia của thị trường Bỉ, Serbia và Dominica trong năm nay.
Sự tham gia của các thị trường mới nổi cùng đà tăng trưởng tại các thị trường lớn cho thấy tiềm năng của loại hình bất động sản này hiện nay. Đây chính là cơ sở chắc chắn để các thương hiệu và chủ đầu tư tự tin tham gia vào các khu vực địa lý mới.
Tại Việt Nam, sự xuất hiện của bất động sản hàng hiệu là dấu hiệu tích cực của thị trường. Xét về thị trường ở quy mô thành phố/điểm đến, báo cáo của Savills cho thấy Đà Nẵng đang thuộc nhóm 20 thị trường hàng đầu thế giới về bất động sản hàng hiệu.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Với Việt Nam, bất động sản hàng hiệu ban đầu xuất hiện tại các khu nghỉ dưỡng và biệt thự biển. Trên thế giới, lĩnh vực đã phát triển thành công tại các thành phố lớn khi ngày càng có nhiều người có nhu cầu sở hữu các loại hình bất động sản có thương hiệu. Thương hiệu giúp tăng giá trị của bất động sản về cả chất lượng quản lý, dịch vụ, địa điểm và tính vượt trội. Chúng tôi tự tin rằng bất động sản hàng hiệu sẽ tiếp tục phát triển tại Việt Nam. Sản phẩm đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội là dự án The Ritz Carlton của Chủ đầu tư Masterise Homes và chúng tôi kỳ vọng rằng lĩnh vực này sẽ ngày càng đa dạng tại các địa điểm khác nhau trên thị trường Việt Nam”.
Giám đốc Savills Hà Nội phân tích, lĩnh vực bất động sản hàng hiệu không phải là một phân khúc rộng của ngành bất động sản. Đây có thể được xem là một thị trường ngách đối với các nhà đầu tư và đa phần người mua, do nguồn cung khan hiếm và mức giá cao cấp. Mặc dù không có sức ảnh hưởng lớn, bất động sản hàng hiệu vẫn có những tác động tích cực tới thị trường trong việc mang tới tiêu chuẩn thiết kế tầm cỡ và giới thiệu những tinh hoa của thương hiệu cũng như chất lượng dịch vụ quản lý đẳng cấp. The Ritz Carlton là thương hiệu cao cấp thuộc tập đoàn Marriott International về quản lý khách sạn và được kỳ vọng sẽ có thêm các thương hiệu ở các phân khúc khác nhau tham gia vào thị trường Việt Nam, với nhiều sự lựa chọn về giá cả và địa điểm.
Tại Đà Nẵng, có nhiều dự án căn hộ hàng hiệu với mức giá rất hợp lý, điển hình như Hyatt Regency. Phân khúc này sẽ mở rộng tới các thành phố lớn khác như Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang.
Nguồn: cafebiz