Với việc liên tục đón thêm nhiều tuyến dịch vụ mới, cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) trở thành khu vực có tần suất đi Mỹ cao nhất ở Đông Nam Á, là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Mỗi tuần có 21 tuyến tàu mẹ đi Mỹ
Từ năm 2021 đến nay, các liên minh hãng tàu đã đưa thêm 11 tuyến dịch vụ mới vào CM-TV, nâng tổng số chuyến tàu khu vực này lên 35 tuyến/tuần. Trong đó, 11 tuyến nội Á; 3 tuyến đi châu Âu; 21 tuyến đi Mỹ. Đây được xem là một bước phát triển nhảy vọt, chưa từng xảy ra trong suốt 12 năm khai thác của CM-TV. Điều này cho thấy vị thế của CM-TV trong cộng đồng hàng hải quốc tế ngày càng được khẳng định. CM-TV có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á, chỉ sau Malaysia và Singapore.
Cụ thể, cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) đã đón thêm tuyến dịch vụ mới AA7, AA3 do hãng tàu Wan Hai khai thác. Tuyến dịch vụ này do hãng tàu Wan Hai độc lập khai thác kết nối khu vực CM-TV với các cảng trên hành trình châu Á – Bờ Đông Mỹ. Qua đó, rút ngắn thời gian vận chuyển từ các cảng chính của châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng. Hiện thời gian quay vòng của phần lớn các tuyến dịch vụ tuyến xuyên Thái Bình Dương từ 35 đến 49 ngày, nhưng với tuyến dịch vụ AA3 thì thời gian vận chuyển từ CM-TV đi Bờ Tây – Mỹ là 21 ngày và AA7 đi Bờ Đông nước Mỹ là 28 ngày.
Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng vừa đón tuyến dịch vụ AWE6/VCE của hãng tàu tàu COSCO và OOCL. Đây là tuyến dịch vụ hoàn toàn mới được đưa vào khai thác tại CMIT kết nối CM-TV với các cảng trên hành trình châu Á – Bờ Đông Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Việc đưa thêm tuyến mới chứng tỏ tiềm năng phát triển lớn đối với cụm cảng CM-TV nói chung và cảng CMIT nói riêng.
Hãng tàu Zim cũng đã đưa tàu ALS APOLLO khai thác tuyến dịch vụ USWC tại cảng TCTT. Tuyến dịch vụ USWC có lộ trình trình kết nối CM-TV với Bờ Tây Hoa Kỳ nhanh nhất, rút ngắn thời gian vận chuyển xuống còn 15 ngày.
Ông Abraham Elias, Tổng Giám đốc Hãng tàu Zim cho biết, tuyến tàu USWC góp phần quan trọng trong việc kết nối, lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các cảng lớn trên thế giới. Việc các hãng tàu đồng loạt mở thêm các tuyến mới vào Việt Nam, cụ thể là vào CM-TV mở ra hướng phát triển mới, định hình các tuyến vận tải từ Việt Nam đến các khu vực trên thế giới. Qua đó, giúp hàng hóa đi và đến Việt Nam dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường đang phải “gồng mình” trước chi phí vận tải tăng quá nhanh.
Các tuyến đi Bờ Đông nước Mỹ được tăng cường đã giúp giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn ở các cảng thuộc Bờ Tây nước Mỹ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 – một thực tế đã diễn ra từ cuối năm 2020 và trong thời gian tới vẫn khó khắc phục.
Tạo lợi thế cạnh tranh tầm quốc tế
Nhằm tiếp sức cho CM-TV, Bộ GT-VT đã đồng ý kết thúc thí điểm và cho phép chính thức tiếp nhận tàu container trọng tải đến 214.121 DWT giảm tải ra, vào cảng CMIT. Điều này sẽ định hình các tuyến vận tải từ Việt Nam đến các cảng châu Âu và Bắc Mỹ, phát huy những lợi thế sẵn có của kinh tế biển Việt Nam, tận dụng tối đa kết cấu hạ tầng hàng hải hiện có, tạo thuận lợi cho các DN, duy trì và phát huy tuyến hàng đang khai thác.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết, việc khai thác các “siêu tàu” có kích cỡ lớn đang trở thành xu thế của hầu hết các hãng tàu trên toàn thế giới, đòi hỏi các cảng biển phải có khả năng tiếp nhận. Cảng CMIT nói riêng và Cái Mép nói chung trở thành một trong những cảng chính trong hải trình của các tuyến dịch vụ này đã chứng minh năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam và sự gia tăng vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đánh giá từ các hãng tàu cho thấy, khu vực cảng nước sâu CM-TV có nhiều tiềm năng trở thành một khu vực cảng trung chuyển thế giới. Vì vậy, chủ trương của Bộ GT-VT về việc đón các tàu siêu lớn vào khu vực CM-TV làm hàng không chỉ là giải pháp giải quyết bài toán về vận tải biển của Việt Nam mà việc hình thành trục vận tải từ CM-TV đến châu Mỹ, Âu còn là bước đầu để thu hút các hàng trung chuyển quốc tế.
Hiện cảng tại TP. Hồ Chí Minh không đủ điều kiện tiếp nhận các cỡ tàu trên 80 ngàn tấn, hầu hết các container xuất nhập khẩu trong khu vực vẫn phải trung chuyển đến cảng trung chuyển các nước trong khu vực. Điều này đã làm cho mỗi một TEU container khi đem đi xuất khẩu sẽ tốn thêm gần 200 USD cho chi phí bốc xếp hàng, chuyển tải lại tại các bến cảng của nước khác.
Nếu trung tâm trung chuyển quốc tế được hình thành, hàng hóa xuất khẩu sẽ có thể đi trực tiếp các thị trường xa, thì ít nhất 29% khối lượng các container xuất nhập khẩu tại khu vực phía Nam không cần trung chuyển qua các cảng tại Singapore hay Hongkong mà trực tiếp từ CM-TV.
Đây không chỉ là phương án giải quyết bài toán về hàng vận tải biển đi xa của Việt Nam, mà việc hình thành tuyến vận tải từ CM-TV đến châu Âu và Mỹ còn là bước đầu để thu hút các hàng trung chuyển quốc tế. Từ đó, đưa hàng quốc tế CM-TV tham gia vào mạng lưới lớn các cảng trung chuyển trong khu vực và cả trên thế giới. Đây là một lợi ích vô cùng lớn không chỉ là của kinh tế trong khu vực Đông Nam Bộ mà là cả ở tầm quốc gia.
Nguồn: baobariavungtau.com.vn