Suốt gần 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 là khoảng thời gian doanh nghiệp bất động sản chịu thiệt hại nặng nề vì thị trường bất ổn. Nhưng, đây cũng lại là thời điểm để doanh nghiệp tích lũy kinh nghiệm, sống chung với đại dịch.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường BĐS trong suốt 2 năm qua khiến nhiều doanh nghiệp BĐS rơi vào tình trạng khó khăn khi nhiều công trường dừng thi công, các sự kiện đông người như quảng bá, tiếp thị bán sản phẩm BĐS cũng đều bị hủy bỏ.

Nhận định về những thách thức mà doanh nghiệp BĐS đã phải đối mặt trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát đến nay đã là lần thứ 4, diễn biến phức tạp càng khiến những khó khăn thêm trầm trọng, chồng chất.

“Đáng lo ngại là không ai biết được đến khi nào dịch Covid-19 sẽ được đẩy lùi, trạng thái bình thường được thiết lập trở lại. Tâm lý này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực kinh doanh BĐS”, ông Đính nhấn mạnh.

Thực tế, khó khăn của doanh nghiệp BĐS hiện đang rất lớn. Đứng ở góc độ chủ đầu tư, ông Lê Huy Giang – Phó TGĐ Tập đoàn Bách Việt (BV Group) chia sẻ dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Dịch bệnh và giãn cách xã hội là rào cản bán hàng, khi mà các khách hàng không thể tận mắt nhìn, sờ tận tay và cảm nhận về dự án ở thực tế.

Tuy nhiên, theo ông Giang doanh nghiệp không ngồi yên đợi dịch đi qua mà phải học cách sống chung với dịch. “Với kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án qua các đợt giãn cách năm 2020 và gần đây là dịch bùng phát tại Bắc Giang, BV Group luôn xác định tính chủ động cao trong công việc. Đối với tiến độ dự án, công ty luôn chủ động đặt hàng và huy động vật tư đủ, ít nhất tập kết thi công trong thời gian 1 tháng, tính toán trước các nhu cầu cần thiết để luôn sẵn sàng tại chỗ. Vì vậy, khi có giãn cách hầu hết công tác vận chuyển không bị ảnh hưởng”, ông Giang cho biết.

Đối với công tác bán hàng, đại diện BV Group tiết lộ công ty đã cho xây dựng các không gian dự án ảo với tính tiện dụng cao. Bất kỳ khách hàng nào cũng có thể dễ dàng thao tác thông qua việc di chuyển chuột (máy tính) hoặc chạm tay (qua ứng dụng smartphone) để tham quan được các căn hộ, nội thất, không gian dự án sống động như bên ngoài thực tế. Từ đó, việc tiếp cận truyền thông đến khách hàng được thuận lợi hơn và bán hàng vì vậy cũng dễ dàng hơn.

“Với tính chủ động trên, chúng tôi có thể tự tin khẳng định, dù đất nước đang có dịch bệnh, giãn cách xã hội tại các địa phương nhưng việc ra mắt dự án và bán hàng của BV Group dù có bị ảnh hưởng, nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng và vẫn đáp ứng các mục tiêu đề ra”, ông Giang khẳng định.

Ở phía sàn giao dịch, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Asian Holding cho biết, vì không biết đến bao giờ COVID-19 biến mất hoàn toàn nên doanh nghiệp của ông đã lên kế hoạch dài hạn để có thể sống chung với dịch. Theo đó, tất cả công việc họp giao ban, tiếp thị cho khách hàng, bán hàng…đều được thực hiện qua kênh online.

“Chúng tôi đã tự quay dự án bằng flycamp, chụp hình ảnh…để gửi cho khách hàng, giúp họ hình dung trực quan nhất về vị trí dự án, lô đất cũng như tính pháp lý. Các nhân viên bán hàng không được gặp khách trực tiếp nên chuyển qua tư vấn bằng Zalo, Viber…Tuy cách làm này không thể hiệu quả như bình thường nhưng tôi tin thói quen của khách hàng sẽ dần thay đổi và chúng tôi sẽ được chấp nhận”, ông Hậu nói.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng xác định thời điểm Covid-19 là lúc đẩy mạnh sức khỏe tài chính lẫn quỹ đất. Cụ thể, Novaland, Hưng Thịnh, An Gia, Danh Khôi liên tục công bố các thương vụ thâu tóm quỹ đất mới. Cùng với đó nhiều doanh nghiệp như CenLand, Đất Xanh, Tân Hoàng Minh, Vinhomes  tận dụng sự sôi động của thị trường chứng khoán để tăng vốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, qua thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS với bản lĩnh, quyết tâm và sức sáng tạo, sự bền bỉ và năng động… không những đã giữ vững vai trò trụ cột trên thị trường BĐS mà còn tăng trưởng cả về quy mô và lợi nhuận ngay trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo do tác động của dịch Covid-19.

Nhìn về dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng. Theo các chuyên gia, BĐS vẫn là “nơi trú ẩn” tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác. Thêm nữa, từ góc độ nguồn cung sản phẩm có thể thấy đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS.

Theo Nhịp sống kinh tế

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *