Vành đai 3 và các tuyến cao tốc khởi động mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế – giao thương liên vùng, trong đó Bình Dương là một trong những khu vực hưởng lợi nhất. Bất động sản nhà ở vì vậy cũng có dấu hiệu tăng nhiệt theo.
Nhờ chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, dân số đông, cùng đề án xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương đang đón nhận sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư bất động sản với những dự án có quy mô lớn, góp phần nâng tầm diện mạo đô thị của tỉnh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ấn định thời điểm khởi công
Với tổng chiều dài hơn 90 km, dự án Vành Đai 3 chạy qua địa phận TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 – Bến Lức.
Dự án không chỉ tạo thành một vòng cung kết nối vùng động lực kinh tế miền Đông mà còn rút ngắn thời gian lưu thông giữa các thành phố, thị xã và hệ thống các khu công nghiệp của Bình Dương. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, các khu đô thị hiện đại dọc tuyến.
Vành đai 3 còn giúp kết nối các thành phố vệ tinh với TP.HCM, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh cho toàn vùng. Hiện dự án đã đưa vào vận hành đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước – Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km và đã phần nào chứng minh được hiệu quả to lớn khi lượng hàng hóa vận chuyển từ Bình Dương xuống Cái Lái tăng vọt.
Đáng chú ý, dự án thành phần 1A và 1B thuộc đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch dài 20,81km cũng vừa được ấn định thời điểm khởi công vào Quý 3/2021 với quy mô 6 làn xe, vận tốc 80 km/h. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ rút ngắn hành trình từ Bình Dương đến TP.HCM, Nhơn Trạch và Đồng Nai; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá, hành khách, giảm ùn tắc cho khu vực nội đô.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc trọng điểm TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành dài hơn 70km với tổng mức đầu tư lên tới 36.000 tỉ đồng cũng đã nhận được chủ trương triển khai. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc này dự kiến kéo dài tới cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) để đưa hàng hóa vào thị trường Campuchia.
9.623 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng
Mới đây, theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND, Bình Dương đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên các trục đường xuyên tâm theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư lên đến 9.623 tỷ đồng.
Theo đó, địa phương này chủ trương đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn như: ĐT747B với lộ giới quy hoạch 74m, đường ĐT746 (Thủ Khoa Huân) với lộ giới từ 35,5m – 42m cùng quy hoạch đồng bộ các trục đường xuyên tâm Mỹ Phước – Tân Vạn, ĐT743. Trong khi đó, các tuyến giao thông đối nội quan trọng, kết nối với các trục đường chính đô thị và các khu phố như đường Tân Phước Khánh 10, đường LKV13 cũng được chính quyền địa phương đầu tư quy hoạch mở rộng lộ giới lên tới 28m.
Đáng chú ý, phường Tân Phước Khánh thuộc phía Nam thị xã Tân Uyên được đánh giá là trung tâm trong quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương, dự kiến sẽ đạt chuẩn đô thị loại II sau năm 2020 theo hướng phát triển trở thành khu đô thị dịch vụ – thương mại – văn hóa. Quy mô dân số đến 2030 là 40.000 người. Hiện diện xung quanh khu vực này là hàng loạt các khu công nghiệp quy mô lớn, sầm uất như KCN Nam Tân Uyên, KCN Uyên Hưng, KCN Phú Chánh, KCN VSIP I & II.
Nguồn: cafef.vn