Hiện Bến Cát đang tăng tốc để lên thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương trong năm 2023 cùng sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế – xã hội đã tạo động lực cho bất động sản khu vực bứt phá.
Đủ điều kiện lên thành phố
Với lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp nhanh chóng, nhiều năm qua Bình Dương đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước, liên tục nằm trong top đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, quý 1/2022, Bình Dương dẫn đầu cả nước thu hút vốn FDI với 2,32 tỉ USD, chiếm 26% cả nước và gấp gần 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 4.000 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn trên 39 tỉ USD.
Tốc độ đô thị hóa của khu vực cũng diễn ra mạnh mẽ với tỷ lệ đạt trên 84% trong năm 2020 (TP.HCM đạt 79%) và có số lượng thành phố nhiều nhất các tỉnh thành phía Nam, gồm 3 thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương còn thống nhất chủ trương xây dựng đề án thành lập TP.Tân Uyên và Bến Cát, nâng tổng số lên đến 5 thành phố và trở thành địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước trong thời gian tới.
Một trong những đô thị tiềm năng của Bình Dương phải kể đến Bến Cát nhờ có vị trí trung tâm và nằm ngay cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Hiện khu vực đang phát triển sôi động với sự hình thành của các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cao ốc văn phòng, khách sạn, công trình giáo dục, y tế đến các điểm vui chơi – giải trí… Chưa kể thời gian tới, Bến Cát sẽ có thêm dự án trung tâm thương mại GO! quy mô lên đến 3 ha với nhiều dịch vụ sang trọng, công suất phục vụ trên 300.000 người.
Sự “thay da đổi thịt” chóng mặt của Bến Cát đã giúp khu vực có đủ các tiêu chí về dân số, diện tích tự nhiên, cơ cấu và trình độ phát triển xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp… để nâng cấp lên thành phố trong năm 2023. Cùng với định hướng năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bến Cát sẽ trở thành trung tâm cấp vùng về công nghiệp, thương mại – dịch vụ phía Bắc TP.HCM càng chứng tỏ nhiều triển vọng tươi sáng của khu vực.
Cộng hưởng lợi thế hạ tầng và công nghiệp
Một điểm thuận lợi khác của Bến Cát là nằm gần các trục giao thông trọng điểm như: Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, ĐT 741, ĐT 744, cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, Vành đai 4… tạo thành mạng lưới kết nối thông suốt đến các KCN, TP.HCM, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Sắp tới, khi tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên được kéo dài về thành phố mới Bình Dương và Bến Cát càng giúp lưu thông nhanh chóng hơn, tuyến đường này còn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư.
Nguồn: thanhnien.vn.