Mặc dù thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng dòng vốn của các nhà đầu tư vẫn rót vào phân khúc bất động sản công nghiệp. Chỉ tính 20 giao dịch nổi bật trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư đã rót hơn 1,5 tỉ USD vào bất động sản công nghiệp.
Trong báo cáo Sách trắng bất động sản công nghiệp Việt Nam do Savills vừa công bố, phân khúc bất động sản công nghiệp trở thành “đứa con đại diện” cho thị trường bất động sản với nhu cầu ngày càng cao và hoạt động thị trường vốn gia tăng.
Theo thống kê của đơn vị này, chỉ tính 20 giao dịch nổi bật trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư đã rót hơn 1,5 tỉ USD vào bất động sản công nghiệp. Phần lớn các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc. Dự án của các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung vào những nhóm ngành thiết bị điện tử, dệt may và may mặc; sản xuất kim loại; sản xuất các sản phẩm từ nhựa, kim loại, giấy.
Cụ thể, các nhà đầu tư đến từ Hong Kong đầu tư khoảng 694 triệu USD. Điển hình như công ty Jinyu Tire Co., Ltd đầu tư 300 triệu USD vào dự án sản xuất các sản phẩm từ cao su tại khu công nghiệp Phước Đông, Tây Ninh. Hay Công ty TNHH Texhong Knitting đầu tư 214 triệu USD vào khu công nghiệp Hải Hà, Quảng Ninh.
Một số dự án khác của các nhà đầu tư Hong Kong nằm tại khu công nghiệp Văn Trung (Bắc Giang), An Dương (Hải Phòng), Phước Đông (Tây Ninh), Bàu Xéo (Đồng Nai), Mỹ Phước 3 (Bình Dương) và Mộc Bài (Tây Ninh).
Trong khi đó, ở phía các nhà đầu tư Trung Quốc, Universal Scientific Technology đầu tư 200 triệu USD vào khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng); Công ty CP Powerway Alloy Materials đầu tư 50 triệu USD vào KCN Hòa Phú (Bắc Giang). Hai doanh nghiệp khác đầu tư vào khu mở rộng Nam Tân Uyên (Bình Dương) và khu công nghiệp Châu Đức Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổng cộng bốn dự án thuộc nhà đầu tư Trung Quốc có giá trị giao dịch hơn 300 triệu USD.
Ngoài ra, trong số các giao dịch nổi bật 9 tháng qua còn có ba giao dịch của nhà đầu tư Đài Loan tại hai khu công nghiệp phía Bắc là Đồng Văn 3 (Hà Nam) và Đông Mai (Quảng Ninh). Giá trị các thương vụ này đạt hơn 380 triệu USD.
Nhà đầu tư Singapore giao dịch hai dự án tại khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và Bàu Bàng (Bình Dương). Tổng giá trị hai thương vụ này là 90 triệu USD.
Các giao dịch còn lại thuộc về các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.
Savills Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hạn chế đi lại, hoạt động của lĩnh vực công nghiệp vào năm 2020 chủ yếu tập trung ở các công ty tại Việt Nam mở rộng hoặc di dời địa điểm sản xuất. Bên cạnh đó là các giao dịch mua bán – sáp nhập lớn, sự xuất hiện của các tài sản phát mại và cơ sở vật chất để bán và cho thuê lại.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ước tính trong 10 tháng qua, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được 591 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,3 tỉ USD. Tính lũy kế đến nay, cả nước có hơn 10.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 198 tỉ USD.
Savills Việt Nam dự báo, từ quý cuối năm 2020 đến cuối năm 2021, thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ đón thêm 6 khu công nghiệp quy mô lớn gia nhập với tổng diện tích 3.733 hécta. Trong đó, lớn nhất là dự án khu công nghiệp Việt Phát ở Long An với quy mô 1.800 hécta. Kế đến là khu công nghiệp Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quy mô 999 hécta. Trong khi đó, Hải Phòng đón thêm hai dự án quy mô 519 hécta. Nguồn cung còn lại nằm tại Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận bất động sản Công nghiệp của Savills Việt Nam, cho biết cuối năm sẽ là thời điểm mà các nhà đầu tư và người thuê cố gắng nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán cũng như đạt được các thỏa thuận với các đợn vị phát triển bất động sản để chốt được mức giá có lợi nhất. Trong khi các chủ đầu tư vẫn có thể linh hoạt đàm phán trong bối cảnh đại dịch.
“Nếu các chuyến bay được đưa vào hoạt động vào sáu tháng đầu năm 2021, giá thuê đất, nhà xưởng và kho bãi có thể sẽ tăng lên, khiến các nhà đầu tư phải chốt giá càng càng sớm càng tốt”, vị này cho biết.
Nguồn: cafeland