Chỉ cần nhìn sự hiện diện của những tên tuổi mới ở Ngã 6 Phù Đổng, quanh Hồ Con Rùa, Phạm Ngọc Thạch, sẽ hiểu được cuộc chơi mới của thị trường F&B sau đại dịch Covid-19.
Mặt bằng hot nhất Sài Gòn bất ngờ về tay PhinDeli
Ngã 6 Phù Đổng -quận 1, nơi Phúc Long từng làm mưa làm gió nhiều năm, và sau đó về tay Soya Garden, mấy ngày nay lại khiến giới F&B xôn xao khi PhinDeli đã gần hoàn tất cửa hàng.
Mặt bằng vốn được mệnh danh là “hot nhất Sài Gòn”, vì nằm tại vị trí đắc địa bậc nhất, nơi quy tụ hàng loạt “ông lớn”, đặc biệt là các thương hiệu cà phê, trà sữa này, có hơn nửa năm bỏ trống sau khi Soya Garden rời đi. Giới cho thuê bất động sản tiết lộ, giá thuê mặt bằng Ngã 6 Phù Đổng lên đến khoảng 25.000 USD/tháng (khoảng nửa tỷ đồng mỗi tháng) ở thời điểm thương hiệu sữa đậu nành đặt sự hiện diện – khoảng tháng 7/2019.
Tuy nhiên, Soya Garden kinh doanh không suôn sẻ, gặp thêm Covid-19, nên giữa năm nay đã rút về Hà Nội.
Dù mắc kẹt giữa đại dịch Covid-19, khi hàng hoạt mặt bằng vàng bị trả không thương tiếc, thì “cuộc chiến” tranh giành vị trí này vẫn âm thầm diễn ra.
Sự xuất hiện của cà phê Phin Deli dù bất ngờ với giới F&B và người tiêu dùng, nhưng giới kinh doanh bất động sản dễ hiểu vì sao thương hiệu này lại dễ dàng trở thành chủ nhân mới của nơi có giá cho thuê hết sức đắt đỏ.
Vào đầu năm nay, ông Phạm Đình Nguyên, nhà sáng lập Phin Deli, bất ngờ thông báo thương hiệu này đã thuộc sở hữu của tập đoàn Nova của ông Bùi Thành Nhơn.
Đại diện NovaGroup cũng xác nhận cửa hàng cà phê Phin Deli tại vòng xoay Ngã 6 Phù Đổng là thuộc sở hữu của doanh nghiệp, do Nova FnB vận hành. Cửa hàng này sẽ được khai trương trong thời gian tới.
Vào giữa năm, NovaGroup cũng đã mở một cửa hàng cà phê PhinDeli với không gian mở tại tòa nhà Metroplitan – đối diện nhà thờ Đức Bà. Với vị trí vàng ngay trung tâm quận 1, cửa hàng cà phê này thu hút rất đông khách văn phòng, người dân vui chơi cuối tuần. Đặc biệt, những ngày sau giãn cách xã hội kéo dài để chống dịch ở TP.HCM, cửa hàng PhinDeli tại tòa nhà Metroplitan đặc biệt đông khách từ sáng sớm đến chiều tối.
PhinDeli cũng vừa khai trương một điểm bán tại vị trí “vàng” khác ngay cuối tuần qua trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, sát với Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nằm ngay trong chuỗi hệ thống cửa hàng ăn uống, mua sắm mới của NovaGroup.
Tại các khu vực từng có giá cho thuê đắt đỏ ở TPHCM như xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Nguyễn Trãi, Ngô Đức Kế, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Xích Long…làn sóng trả mặt bằng ồ ạt, giá chào thuê mới cũng giảm 20-30%. Ảnh: H.Minh
Một thương hiệu cà phê khác cũng đang đặt sự hiện diện tại nhiều vị trí vàng ở trung tâm TP.HCM là Saigon Casa. Ngay vòng xoay Hồ Con Rùa, thương hiệu non trẻ này hiện đã thế chân một quán cà phê kinh doanh lâu đời và rất được lòng khách. Saigon Casa trước đó đã xuất hiện tại nhiều vị trí đắt địa khác như góc Lý Chính Thắng – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Hai Bà Trưng (quận 3), Nguyễn Văn Trỗi (Phú Nhuận)… và không ai khác, chính Nova FnB là đơn vị vận hành.
Ngay vị trí đắc địa góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi (quận 1), nơi nhiều năm kem Bạch Đằng “đống đô”, thì nay một thương hiệu do NovaGroup nhượng quyền, cũng đã đặt sự hiện diện – cà phê Gloria Jean’s Coffee.
Gom mặt bằng giá rẻ – cơ hội của ông lớn
Làn sóng trả mặt bằng hàng loạt đang xảy ra tại nhiều tuyến đường từng mệnh danh là đường trà sữa, đường thời trang ở TP.HCM, từ Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Xích Long… Mức giá chào thuê mới cũng giảm 20-30% so với trước.
Anh Danh – một người cho thuê mặt bằng trên đường Hồ Tùng Mậu (quận 1), cho hay mức giá thuê hiện nay đã giảm 20-30% so với trước khi có dịch. Như tại mặt bằng góc đường Huỳnh Thúc Kháng và Hồ Tùng Mậu (quận 1), khu vực vốn được mệnh danh là phố trà sữa Sài Gòn, giá thuê trước đây là 10.000 USD mỗi tháng (hơn 220 triệu đồng), hiện nay còn 8.000 USD/tháng. Thời gian thuê là 3 năm.
Việc nhiều mặt bằng ở vị trí vàng trống, cộng với giá cho thuê giảm khiến các thương hiệu có tiềm lực tài chính mạnh dễ dàng thu gom được vị trí tốt mà trước đây khó chen chân, hoặc ra đời muộn, khó thuê được ví trí tốt ở các khu vực trung tâm.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO, doanh nghiệp vừa cho ra đời chuỗi Chuk Chuk – chuyên bán lẻ trà, cà phê, bánh ngọt, cho biết dịch bệnh là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều địa điểm đẹp với giá thuê hợp lý.
Dù các hoạt động kinh doanh gần như đã trở lại bình thường tại TP.HCM, nhưng nhiều ông lớn vẫn liên tục dừng hoạt động. Ảnh: H.Minh
Theo ông Nguyên, vào thời điểm hiện tại, số lượng mặt bằng được trả lại và cho thuê mới trên thị trường đang dồi dào. Giá thuê hiện chỉ ngang giai đoạn 2015-2016, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 20-40% ngân sách đầu tư.
Ông dẫn chứng nếu như trước đây địa điểm đẹp ở quận 1, TP.HCM phải mất chi phí thuê 10.000 – 15.000 USD/tháng, thì hiện tập đoàn đã ký hợp đồng nhiều địa điểm với giá chỉ khoảng phân nửa và cam kết lâu dài.
Các đại gia bán lẻ lớn như Bách Hoá Xanh, Vinmart cũng đẩy mạnh săn mặt bằng thời gian qua.
Như Bách Hoá Xanh đã mở được 230 cửa hàng tính từ đầu năm, nâng tổng số cửa hàng của chuỗi lên gần 1.940. Đại diện Bách Hoá Xanh trong lần chia sẻ gần đây cũng cho biết sẽ tận dụng cơ hội giá thấp để có được mặt bằng tốt.
Không chỉ tranh thủ giá rẻ, việc các đại gia bán lẻ gom mặt bằng tốt còn là lợi thế trong bối cảnh nguồn cung dự báo chững lại trong thời gian tới.
Theo tính toán của Savills Việt Nam, năm 2021, không có dự án cho thuê mặt bằng nào đi vào hoạt động. Trong năm 2022, diện tích mặt bằng ra mắt cũng chỉ khoảng 132.000m2. Nên giữa dịch bệnh, các thương hiệu lớn chắc chắn đi trước để chiếm được địa điểm kinh doanh tốt giữa bối cảnh đầu ra bị thu hẹp.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của doanh nghiệp bán lẻ, tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có cách tiếp cận mặt bằng phù hợp, chứ không phải thấy rẻ là “ôm”.
Đại diện NovaGroup cho biết thực tế giá thuê mặt bằng trong mùa dịch rẻ hơn bình thường. Nhưng với lợi thế kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp không quá khó tìm mặt bằng, và chỉ tiếp cận mặt bằng phù hợp theo định hướng phát triển.
Bộ phận nghiên cứu – Savills Việt Nam dự báo sau thời gian giãn cách xã hội này, các nhà bán lẻ sẽ mất ít nhất ba tháng để các khu mua sắm dần phục hồi lượng giao thông mua sắm. Đồng thời sẽ mất ít nhất một năm để nhà bán lẻ và người tiêu dùng phục hồi trạng thái, quay lại như năm 2019.
Theo đó, giá thuê cho hợp đồng mới phần lớn được giữ nguyên hoặc giảm 20 – 30%. Tỷ lệ tăng giá hằng năm cũng giảm từ tăng 8% mỗi năm nay chỉ còn 5% mỗi năm. Nhưng chủ nhà sẽ có các chính sách tốt hơn cho các khách thuê mới, như kéo dài thời gian sửa chữa trong thời gian đầu, hoặc giảm từ 30-50% trong 3-6 tháng đầu tiên cho các hợp đồng ký mới từ 3-5 năm.
Với khách thuê hiện hữu, chủ nhà cũng có những hỗ trợ tích cực như giảm giá thuê, miễn, giảm 50% giá dịch vụ…
Nguồn: cafebiz