Trong 8 tháng 2022, Bình Dương đứng thứ hai cả nước, sau TP.HCM về thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 2,56 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ.
Bình Dương đứng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài
Tại buổi họp báo về kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương tháng 8 tỉnh năm 2022, UBND tỉnh cho biết, tình hình của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định.
Tính đến ngày 15/8, Bình Dương thu hút được 35 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, Bình Dương đã thu hút được 2,56 tỷ USD; tăng 72% so với cùng kỳ.
Đầu tư trong nước đến 15/8 thu hút được 17.310 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, Bình Dương đã thu hút được 62.359 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Sở Công Thương Bình Dương cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, Bình Dương đón thêm 4.336 doanh nghiệp đăng ký mới, và 48 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới.
Từ đầu năm đến nay, Bình Dương có 164 doanh nghiệp và 13 dự án FDI điều chỉnh tăng thêm vốn đầu tư.
Thu hút đầu tư nước trong và ngoài nước tiếp tục khả quan cho thấy niềm tin mở rộng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Bình Dương. Trong đó, hạ tầng có vai trò quan trọng để thu hút vốn đầu tư chất lượng cao.
Ông Nguyễn Thành Nhân – Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương cho biết, để tạo ra dư địa sản xuất mới, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tỉnh Bình Dương đang dồn sức cho đầu tư công.
Trong đó, Bình Dương chú trọng các dự án giao thông kết nối vùng, đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà đầu tư.
Hiện nay, KCN VSIP 3 đã khởi động. Bình Dương cũng đang xúc tiến các thủ tục triển khai KCN Cây Trường, KCN Rạch Bắp, và KCN Nam Tân Uyên mở rộng.
Bình Dương tích cực triển khai các dự án mở rộng Quốc lộ 13, cùng các dự án Đường vành đai 3, đường vành đai 4 để kết nối giao thông.
“Đồng thời, Bình Dương tăng cường các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, mở ra thêm nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để tạo chuỗi giá trị gia tăng cao”, ông Nhân nói.
Theo ông Nguyễn Tầm Dương – Chánh văn phòng UBND tỉnh, tính chung cả 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký kinh doanh trong nước tăng cao so với cùng kỳ; thu, chi ngân sách đảm bảo theo dự toán.
Tuy nhiên, lạm phát tại châu Âu, Mỹ gia tăng. Giá cả hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn còn ở mức cao tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng một số ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: gỗ, máy móc, thiết bị bắt đầu gặp khó khăn do đơn hàng giảm.
UBND sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động tiếp xúc các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là các doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da dày. Xúc tiến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Nam Mỹ.
Nguồn: danviet.vn