Lĩnh vực công nghiệp tại huyện Bàu Bàng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho việc thu hút nguồn vốn FDI, nâng cấp diện mạo đô thị và góp phần làm sôi động thị trường bất động sản.
Những năm gần đây, Bình Dương đã thực hiện việc dịch chuyển trọng tâm phát triển công nghiệp về khu vực phía Bắc, bao gồm TX. Bến Cát, TX. Tân Uyên và huyện Bàu Bàng. Trong đó, huyện Bàu Bàng được quy hoạch thành đô thị đa chức năng với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghiệp – đô thị nắm giữ vai trò kết nối giao thương giữa vùng lõi trung tâm của Bình Dương với Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.

Nhờ chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, năm 2020, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 138 dự án đăng ký mới và 20 dự án tăng thêm vốn với tổng số vốn đăng ký gần 943 tỷ đồng và 243,85 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 1.079 dự án, trong đó đầu tư trong nước 883 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 30.500 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 196 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ USD.

Ngày càng có nhiều dự án đầu tư nước ngoài với số vốn lớn chọn Bàu Bàng làm điểm đến, tiêu biểu như: tập đoàn Kumho Asiana, chuyên sản xuất vỏ xe ô tô, vốn đầu tư 360 triệu USD; công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) triển khai dự án với diện tích 99 ha, vốn đầu tư bước đầu hơn 274 triệu USD và vừa điều chỉnh tăng lên 760 triệu USD; công ty TNHH nội thất Lacouer Craft Việt Nam đầu tư hơn 98 triệu USD sản xuất đồ nội thất, trang trí nội thất, ghế sofa; tập đoàn Kolon đầu tư 140 triệu USD (giai đoạn 1) để sản xuất sợi lốp polyester…

Nhờ có sự đầu tư liên tục vào các khu công nghiệp mà kinh tế của huyện đã chuyển dịch mạnh sang hướng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, kéo theo sự hình thành các khu đô thị, thương mại sầm uất, góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 25,33%.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 của Bàu Bàng đạt bình quân 18%; giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 22%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 24%; giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 26,5%/năm. Tốc độ tăng dân số bình quân đạt 9,15%/năm giai đoạn 2016-2020 và dự kiến đạt 9%/năm giai đoạn 2021-2025.

thị trường bất động sản bàu bàng tăng giá nhờ công nghiệp
Nhà máy lớn của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Bàu Bàng

Sơ lược về tình hình hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn huyện như sau:

+ Khu công nghiệp Tân Bình

Khu công nghiệp Tân Bình có diện tích 352,49ha (95,18ha thuộc huyện Bàu Bàng) được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản, sở hữu vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho giao thương hàng hóa nên số lượng nhà đầu tư rót vốn vào đây ngày càng tăng.

Theo kế hoạch, khu công nghiệp Tân Bình giai đoạn 2 sẽ được mở rộng thêm 1.055,83ha về hướng Bàu Bàng qua 2 xã Hưng Hòa và Tân Hưng. Giai đoạn 3, khu công nghiệp Tân Bình sẽ được mở rộng ra xã Hưng Hòa với quy mô 166,62ha.

+ Khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng

Khu đô thị – công nghiệp Bàu Bàng có tổng diện tích 2.166ha (1.000 ha đất công nghiệp, 1.166ha đất đô thị và dịch vụ). Giai đoạn 2 là khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng có tổng diện tích 1.000ha (phần của huyện Bàu Bàng là 892,2ha) đang được đầu tư hạ tầng cơ bản.

Thời gian qua, khu công nghiệp Bàu Bàng trở thành “điểm nóng” thu hút đầu tư bởi hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ với không gian xanh; vị trí đắc địa trên tuyến quốc lộ 13, thuộc vùng cửa ngõ giao thương quan trọng giữa miền Đông Nam bộ và miền Trung Tây Nguyên, dễ dàng kết nối với các tuyến đường huyết mạch, các đô thị lớn, các sân bay, cảng biển quốc tế…

Nguồn vốn FDI đổ vào khu công nghiệp Bàu Bàng chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật, Đài Loan, Ý, Trung Quốc. Trong đó, có thể kể đến các doanh nghiệp lớn có uy tín tầm cỡ quốc tế như Kisswire, Hotta VN, Sun Wood Vina, Suk Mono…

đất nền gần khu công nghiệp bàu bàng
Khu công nghiệp Bàu Bàng là “điểm nóng” thu hút nguồn vốn từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài

+ Khu công nghiệp Cây Trường

Dự án khu công nghiệp Cây Trường được xây dựng tại xã Cây Trường II và thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với quy mô 700ha.

+ Khu công nghiệp Lai Hưng

Theo thông tin quy hoạch, khu công nghiệp Lai Hưng có quy mô 600ha, được xây dựng với mục tiêu tạo nên một khu vực dành riêng cho việc phát triển lĩnh vực khoa học – công nghệ.

+ Khu công nghiệp khoa học công nghệ

Khu công nghiệp khoa học công nghệ 900ha ở huyện Bàu Bàng là một trong những dự án trọng điểm của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. Dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thu hút nhiều lao động tri thức và có tay nghề; tạo nền tảng chuyển đổi các khu công nghiệp hiện tại thành các khu công nghiệp thông minh; giúp địa phương có một nền tảng vững chắc về khoa học để tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên khoa học kỹ thuật cao, đáp ứng tốt với yêu cầu sản xuất – kinh doanh trong kỷ nguyên của công nghiệp 4.0.

Theo đó, huyện Bàu Bàng sẽ thực hiện kế hoạch thu hút các trường đại học, các viện nghiên cứu để đào tạo và cung cấp nguồn nhân sự chất lượng cao, sau đó sẽ phát triển theo chiến lược “vết dầu loang” – lấy trường, viện làm hạt nhân để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới về hoạt động; từng bước biến Bàu Bàng và khu vực thành phố mới Bình Dương thành hai cực trong “Vùng đổi mới sáng tạo”, đưa kinh tế của huyện Bàu Bàng nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung bước vào thời kỳ phát triển dựa trên tri thức và khoa học.

khu công nghiệp khoa học công nghệ cao ở bàu bàng
Việc xây dựng và phát triển Khu công nghiệp khoa học công nghệ ở huyện Bàu Bàng được ví như “đòn bẩy” cho sự phát triển kinh tế – xã hội

Ngoài ra, trong định hướng quy hoạch đến năm 2030 của huyện Bàu Bàng còn có thêm một số khu công nghiệp như: khu công nghiệp Dầu Tiếng 1 (xã Long Nguyên): 1.180,15ha; khu công nghiệp Dầu Tiếng 4 (xã Cây Trường II): 230,22ha. Như vậy, đến năm 2030, diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bàu Bàng là 6.285,01ha, tăng 5.192,58ha so với hiện trạng năm 2020.

Đồng thời, Bàu Bàng cũng bố trí quỹ đất dịch vụ logistics khoảng 294,69ha trên địa bàn xã Tân Hưng (290ha) và Long Nguyên (4,69ha). Đối với khu logistics trên địa bàn xã Tân Hưng, vị trí nằm giữa đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh và đường Mỹ Phước – Tân Vạn, là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa của Khu công nghiệp Bàu Bàng. Từ đây, hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và cả đường bộ. Đường bộ đi theo đường Mỹ Phước – Tân Vạn ra đường Vành đai 4 đến cảng An Tây hoặc đi theo đường Vành đai Mỹ Phước ra cảng Rạch Bắp.

Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, trong tương lai, Bàu Bàng sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kéo theo một lượng lớn dân nhập cư là các doanh nhân, chuyên gia, kỹ sư, công nhân đến làm việc và sinh sống tại Bàu Bàng, từ đó làm gia tăng nhu cầu về chỗ ở và sử dụng dịch vụ.

Dự báo nhu cầu nhà ở hiện tại và giai đoạn 2021 – 2025 sẽ rất lớn. Do đó, chính quyền Bàu Bàng đang cố gắng khuyến khích các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư nhiều dự án khu dân cư chất lượng, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi lực lượng chuyên gia, kỹ sư đổ về làm việc ngày càng đông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *