Việc nhà đầu tư châu Âu muốn rót gần 1 tỉ USD vào dự án logistics ở Phú Mỹ, Hiệp định EVFTA, hay sự kiện đón tàu container lớn nhất thế giới đang mở ra cơ hội đưa địa danh này trở thành một trong số các thương cảng bậc nhất thế giới. Từ đó, kích thích thị trường BĐS Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) vốn đã khá sôi động trước đó.

Loạt tín hiệu mới

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có báo cáo với văn phòng Chính phủ về dự án trung tâm Logistics tại địa phương. Theo đó, dự án này được Chính phủ Hà Lan và Chính phủ Bỉ quan tâm và có nhiều công hàm gửi tới Thủ tướng đề nghị giao cho liên danh các nhà đầu tư EU-VN gồm Công ty Besix- Công ty IPEI (Bỉ) – Công ty Hateco (Việt Nam) – Công ty Boskalis (Hà Lan) là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trung tâm logistics Cái Mép Hạ được quy hoạch với tổng diện tích 1.763ha, gồm 4 phân khu chính: Trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu 984ha; khu nước luồng, khu nước trước bến 455ha; khu năng lượng sạch 197ha; khu nước bến cảng tiềm năng 125ha. Khái toán chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và bến cảng dự kiến khoảng 19.336 tỉ đồng. Đây là khu chức năng thuộc quy hoạch chung đô thị mới Phú Mỹ.

Tại buổi tiếp Đại sứ Hà Lan, Đại sứ Bỉ cùng các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) đang có mong muốn đầu tư dự án logistics cảng biển trị giá gần 1 tỷ USD tại Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quyết tâm của nhà đầu tư vào Cái Mép Hạ, phát triển logistics để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU và toàn thế giới. Đồng thời, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của nhà đầu tư về dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề có liên quan.

Đây là dự án hiếm hoi nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia châu Âu sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực, từ ngày 1/8/2020. Hiệp định EVFTA mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, cho mối quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, sau một thập kỷ kiên trì đàm phán.

Trước đó, ngày 26/10/2020, cảng Cái Mép (CMIT) đã làm lễ đón tàu container Margrethe Maersk – một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải hơn 214.000 tấn, sức chở hơn 18.300 container, dài gần 400m, rộng 59m.

Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải trên bản đồ hàng hải thế giới.

Việc cảng CMIT đủ năng lực và được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214.000 tấn cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ kích cỡ lớn đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ mà không cần trung chuyển qua các cảng trung chuyển như Singapore, Malaysia… giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở từ đó hàng hóa sớm được tiếp cận với thị trường.

Theo các chuyên gia, nỗ lực theo đuổi dự án của các nhà đầu tư châu Âu, cùng với sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ được kỳ vọng sẽ đưa Phú Mỹ vươn lên thành thương cảng hàng đầu Đông Nam Á, trở thành đòn bẩy kinh tế bậc nhất phía Nam.

Theo quy hoạch phát triển, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đến năm 2030 sẽ phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, cảng biển – dịch vụ hậu cần cảng, hướng đến phát triển thành một “thành phố cảng” lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đó, góp phần vào việc thay đổi diện mạo kinh tế- xã hội của khu vực cũng như cả nước, kéo theo có sự thay đổi đáng kể về thị trường bất động sản – vốn là thị trường mới đang nổi lên những năm gần đây.

Việt Nam đã và đang có những bước tiến triển vượt bậc trong việc xây dựng, vận hành cảng biển quốc tế trong những năm gần đây. Sự hiện diện của cảng biển như Hải Phòng, Vân Đồn, hay cảng Tp.HCM…đều là những nơi có kinh tế phát triển vượt trội, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế khu vực. Theo các chuyên gia, cảng biển ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đem lại nguồn lợi kinh tế “khổng lồ” cho đất nước. Trong đó, các ngành nghề liên quan tại khu vực sẽ vì thế phát triển theo.

Sắp tới đây, “thành phố cảng” Phú Mỹ hình thành sẽ tiếp tục ghi dấu ấn trong câu chuyện kinh tế, xã hội khu vực này. Chiến lược “thành phố cảng” dựa trên lợi thế hiếm hoi về mặt vị trí của địa phương này. Cụ thể, Phú Mỹ hiện là trung tâm cửa ngõ giao thương của hàng chục tuyến đường trọng điểm. Sự đồng bộ từ 4 tuyến giao thông: Thủy – Bộ – Không – Sắt là điểm nhấn của khu vực này. Bên cạnh đó, nơi đây sở hữu cụm cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, với 35 bến cảng, đứng thứ 19 trên thế giới. Một số chuyên gia nhận định, trong 5 năm tới, Phú Mỹ sẽ sánh ngang Hải Phòng và tương lai sẽ trở thành Busan, Thượng Hải tại Việt Nam.

Tạp chí Maritime (Mỹ), mới đây đã dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, cho biết, tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tăng diện tích bến hơn 8 lần trong 20 năm qua, với 34 cảng. Trong đó, cảng Cái Mép (Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất lên đến 214.000 tấn, tiếp theo là cảng Hải Phòng có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải 132.000 tấn. Mục tiêu trong giai đoạn phát triển tiếp theo là nâng công suất hàng hóa hàng năm của Việt Nam lên 1,14-1,42 tỷ tấn. Trọng tâm là phát triển cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bất động sản đón cơ hội

Chính những tín hiệu về kinh tế – xã hội đang tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS, nhất là tâm lý của những NĐT luôn trong trạng thái “đón đầu” hạ tầng, quy hoạch, chính sách…

Không thể phủ nhận, những năm qua Phú Mỹ vốn là thị trường mới nổi được giới đầu tư địa ốc quan tâm do có những lợi thế rõ nét về hạ tầng, khu công nghiệp, đến thời điểm hiện tại những thông tin về dự án logistics, Hiệp định EVFTA, hay sự kiện đón tàu container lớn nhất thế giới càng mở ra cơ hội lớn cho thị trường BĐS khu vực này.

Theo ghi nhận, gần đây, hoạt động mua bán sản phẩm đất nền tại Phú Mỹ rục rịch trở lại sau thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Các nền đất có giá từ 7-9 triệu đồng/m2 có giao dịch khá tốt. Khảo sát tại một sàn giao dịch đang bán dự án đất nền tại địa bàn này cho thấy, một tuần trung bình sàn bán ra được từ 6-8 lô. Trong đó, đa số là NĐT đế từ khu vực Tp.HCM. Còn những người mua ở thực cũng tìm kiếm các nền đất pháp lý ổn để làm “của để dành”.

Thực tế cho thấy, BĐS Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã có một thời gian tăng giá trước đó do các thông tin về cao tốc, giao thông hạ tầng chỉn chu kết nối thuận tiện với Tp.HCM. Rất nhiều NĐT BĐS đổ về đây đón đầu, khiến BĐS khu vực này có thời điểm ghi nhận “nóng sốt”. Trong năm 2019, giá đất tại đây tăng khoảng 20-25% so với năm 2018. Đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 thị trường bị ảnh hưởng chung nên chững lại. Đến thời điểm hiện tại, BĐS nơi đây lại có dấu hiệu rục rịch trở lại khi cùng lúc đón hàng loạt thông tin tích cực. Đặc biệt, mới đây, khi Thủ tướng Chính phủ chính thức bấm nút khởi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 khiến BĐS nơi đây một lần nữa nhận được sự quan tâm của NĐT địa ốc. Theo dự báo, với đà phát triển về công nghiệp, dịch vụ, logistics…BĐS nơi đây sẽ tiếp tục hưởng lợi và tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới.

Theo các môi giới khu vực, năm 2019, giá đất nền tại Phú Mỹ tăng khoảng 25-35% so với thời năm 2018. Đặc biệt, có một số dự án mức tăng ghi nhận 40-50%, từ thời điểm Phú Mỹ lên thị xã vào tháng 4/2018. Cùng với đất nền thiết lập mặt bằng giá mới thì thị trường nơi đây cũng đang đón nhận làn sóng ngầm nguồn cung của các doanh nghiệp BĐS đổ về đón cơ hội.

Theo chuyên gia trong ngành, lý do BĐS nơi đây vẫn hấp lực người mua là bởi giá mua vào so với các thị trường lân cận Tp.HCM còn khá mềm, theo đó khả năng sinh lời còn cao.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong các thị trường BĐS đang được hưởng lợi từ sân bay. Khi một dự án lớn hình thành thì chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng đầu tư, từ đó hình thành nên mặt bằng chung về dịch vụ, quy hoạch, tuyến giao thông kết nối…

“Theo tôi, đất nền vẫn là phân khúc được người mua lựa chọn, và biên độ tăng giá vẫn đà tăng trong tương lai. Còn đầu tư ở vị trí, khu vực nào NĐT phải nghiên cứu kỹ càng. Nếu lựa chọn sản phẩm ngay cạnh sân bay chưa chắc đã là vị trí tốt nhưng sản phẩm nằm ở khu vực định hình dịch vụ trong tương lai sẽ tốt. Trong đầu tư đất nền, rủi ro cao thì lợi nhuận sẽ cao. NĐT chấp nhận được thì tham gia sân chơi”, ông Kiệt nhấn mạnh.

Nguồn: Cafefvn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *