Trong 7 tháng đầu năm 2020, chỉ có 16 dự án được phép huy động vốn, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có khoảng 5.500 căn hộ được phép bán nhà hình thành trong tương lai, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin trên được ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tại buổi tọa đàm về xu hướng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 16/7.
Nguồn cung giảm mạnh
Theo ông Hồ, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung ở TP.HCM, thị trường đang có sự dịch chuyển về vùng ven vì nhu cầu nhà ở tại đây đang và sẽ tăng khi lượng chuyên gia, lao động gia tăng.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm, số lượng căn hộ được chào bán ra thị trường giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng căn hộ chào bán thành công cũng giảm tương ứng 50%.
Nguyên nhân là do khó khăn một số dự án bị đình trệ việc triển khai do giấy phép. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 được xem là tác nhân ảnh hưởng quan trọng nhất, đặc biệt là trong quý 2/2020, thời điểm áp dụng một số chính sách cách ly nên hầu hết các dự án đang triển khai hoặc đã có giấy phép cũng không thể chào bán được.
Tuy nhiên, ông Kiệt cho biết có một điểm tích cực trong nửa đầu năm 2020 là tỷ lệ hấp thụ sản phẩm của thị trường vẫn tốt đối những những dự án mở bán trong thời điểm này, đạt tới 70% và mức giá thị trường hiện nay vẫn tăng 4%.
Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam dự báo, năm nay thị trường TP.HCM sẽ đón khoảng 19-20 nghìn căn hộ, sụt giảm mạnh so với những năm trước. Những tháng còn lại của năm 2020 thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Xu hướng đầu tư sẽ giảm rất nhiều, tuy nhiên nhu cầu nhà ở vẫn luôn ổn định, nhất là phân khúc phù hợp với túi tiền.
Dịch chuyển để tìm quỹ đất lớn
Cũng theo ông Kiệt, trong vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều khu đô thị được xây dựng ở các tỉnh lân cận TP.HCM. Xu hướng phát triển của bất động sản vùng ven lan tỏa theo làn sóng dịch chuyển của nhiều chủ đầu tư lớn khi dời suất đầu tư ra thành phố nhằm tìm kiếm quỹ đất lớn hơn.
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển TP.HCM, cũng xác nhận đang có sự chuyển dịch đầu tư bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản lớn ở TP.HCM đang dịch chuyển ra các khu vực xung quanh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương,…
Các địa bàn xung quanh thành phố đang ngày càng phát triển và là các cực phát triển mạnh. Trong khi TP.HCM dù vẫn rất hấp dẫn nhưng đã xuất hiện “lực đẩy” dòng đầu tư ra xa vùng trung tâm khi không còn nhiều quỹ đất trống có diện tích lớn, ngập lụt và kẹt xe vẫn là thách thức khó giải quyết.
“TP.HCM vẫn là thị trường bất động sản sôi động nhưng sẽ phát triển theo hình thái khác, không thể phát triển ở khu vực nội thành và tập trung nhiều hơn vào chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân”, ông Hòa nói.
Ông Kiệt của CBRE đánh giá, nếu hạ tầng kết nối tốt, các địa phương phát triển các khu kinh tế mới gắn liền với việc phát triển các khu đô thị quy mô tại các khu đô thị vệ tinh thì khả năng sinh lợi từ các dự án này sẽ thực sự hiệu quả.
Với vị trí gần sông, tận dụng không gian sinh thái sẵn có, chủ đầu tư phát triển các đô thị với quy mô lớn, quy hoạch đồng bộ, tạo được không gian cảnh quan chủ đề, không gian cây xanh và không gian tiện ích nên thu hút được khách mua.
“Tuy nhiên, việc kết nối với khu đô thị trung tâm TP.HCM vẫn là một trong những yếu tố cần quan tâm để có thể thu hút cư dân về sinh sống thường xuyên”, ông Kiệt nói thêm.
Nguồn: cafeland