Một trong những điểm sáng của ngành công nghiệp Việt Nam trong những tháng đầu năm là mức độ tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường.

Dòng vốn FDI tăng trưởng tốt

Theo đánh giá của ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – FIA (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tự tin với tốc độ tăng trưởng của nền công nghiệp Việt Nam và môi trường đầu tư trong bối cảnh bình thường mới.

FIA cũng dự báo việc mở cửa biên giới trở lại từ ngày 15/3, các chính sách miễn thị thực mới và sự dịch chuyển dòng vốn của các nhà đầu tư châu Âu do xung đột Nga – Ukraine sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI trong thời gian tới.

Cụ thể, tính đến ngày 20/3, tổng vốn FDI đăng ký đạt 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 322 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký đạt 3,21 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm là 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Về tình hình thu hút FDI của các địa phương, Bình Dương dẫn đầu ở mức 29% với 2,3 tỷ USD, tiếp sau là Bắc Ninh chiếm 16% và Thái Nguyên chiếm 10%.

Ở góc độ nguồn vốn, Singapore là quốc gia có nguồn vốn FDI vào Việt Nam lớn nhất trong 3 tháng đầu năm với hơn 2,28 tỷ USD tương đương 26%, tiếp theo là Hàn Quốc với 1,6 tỷ USD tương đương 18%. Đặc biệt, dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn của Tập đoàn Lego tại Bình Dương đã đưa Đan Mạch trở thành nước đóng góp lớn thứ ba với hơn 1,3 tỷ USD.

Theo khu vực, miền Nam chiếm ưu thế với 1,9 tỷ USD, chiếm 87,7% vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực sản xuất, tiếp theo là miền Bắc với hơn 238 triệu USD tương đương 10,8%.

Bình luận thêm về vấn đề này, ông John Campbell – Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam đánh giá, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi thị trường của Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng trong những tháng đầu năm 2022.

Ông John Campbell nhận định: “Không thể phủ nhận rằng năm 2021 là một năm rất khó khăn, đặc biệt là với những làn sóng bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, từ cuối năm 2021 đến nay, Việt Nam đã có một số bước phát triển tích cực, mới nhất là việc mở lại biên giới và miễn visa cho công dân của 13 quốc gia. Điều này rất có ý nghĩa với các chủ đầu tư cũng như khách thuê là các công ty đa quốc gia chưa thể đến Việt Nam. Bởi họ có thể đến xem dự án trực tiếp, ký hợp đồng thuê, thiết lập các cơ sở tại Việt Nam cũng như hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)”.

Đáng chú ý, chuyên gia Savills cho hay, điểm tích cực ghi nhận trong tháng 3 vừa qua là sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 9,2% trong tháng 2. Bất chấp đại dịch, đây là tháng thứ năm liên tiếp sản lượng công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, có một điểm hạn chế là các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh cao để tìm kiếm địa điểm phù hợp. Bất động sản công nghiệp vẫn còn tập trung nhiều tại các địa bàn lân cận khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và có kết nối thuận tiện với sân bay, bến cảng. Điều này đã khiến nguồn cung tại các khu vực này trở nên khan hiếm và đồng thời đẩy giá đất tăng cao.

Tỷ lệ lấp đầy cao và giá đạt đỉnh

Theo giới chuyên gia, nếu đặt lên bàn cân so sánh với các nước trong khu vực thì Việt Nam đánh giá là điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư, bởi Việt Nam đang có nhiều điểm thu hút buộc các nhà đầu tư phải “mạnh tay” chi tiền vào bất động sản công nghiệp.

Cụ thể, đất công nghiệp có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Các yếu tố khác như dân cư, nguồn lao động, chi phí nhân công, vị trí địa lý, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế giúp cho việc việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm thuận lợi cũng là một điểm cộng trong quá trình khảo sát của nhà đầu tư.

Diễn biến thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc trong quý I/2022.

Minh chứng rõ ràng hơn là trong quý I/2022, JLL ghi nhận tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc duy trì ở mức 80%, tăng nhanh so với mức 75% cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn cũng tiếp tục ở mức cao, đạt 98%.

Cùng với đó, giá thuê đất và nhà xưởng đạt 109USD/m2/chu kỳ thuê vẫn giữ đà tăng nhanh với mức tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt mức 4,7USD/m2/tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo dự báo của JLL, thị trường phía Bắc tiếp tục sôi động với nhiều dự án mới. Năm 2022, việc mở cửa đường bay và áp dụng hộ chiếu vắc-xin để phục hồi nền kinh tế cùng với các nỗ lực thu hút đầu tư từ các địa phương, thị trường công nghiệp phía Bắc được dự đoán sẽ tiếp tục là lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn cung trong năm 2022 hứa hẹn sẽ dồi dào khi các tỉnh giáp Hà Nội đều có kế hoạch triển khai các khu công nghiệp trên địa bàn. Điển hình phải kể đến KCN Xuân Cầu, Hải Phòng đã được Khu Kinh Tế Hải Phòng trao giấy chứng nhận đầu tư. Cùng lúc, các khu công nghiệp Bình Giang 2, Thanh Hà và Kim Thành đã được bổ sung vào quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương. Tại Hưng Yên, khu công nghiệp số 5 đã được phê duyệt quy hoạch 1/500.

Diễn biến thị trường bất động sản công nghiệp miền Nam trong quý I/2022.

Còn tại miền Nam, giá thuê vẫn giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ và thiết lập đỉnh giá trung bình mới là 120USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 9% so với cùng kỳ năm trước) nhờ vào làn sóng đầu tư FDI mới đổ vào Việt Nam sau khi Việt Nam được tái mở cửa và nhu cầu mở rộng sản xuất của những doanh nghiệp hiện hữu. Trong đó, giá thuê nhà xưởng xây sẵn tương đối ổn định ở mức trung bình 4,8USD/m2/tháng cho toàn khu vực.

Các dự án được dự báo sẽ gia nhập thị trường đã chính thức được đi vào hoạt động, giúp nguồn cung đất khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cũng tăng trưởng đáng kể trong quý I/2022.

Ông Paul Fisher – Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định: “Điều tích cực là thời kỳ tăm tối nhất của đại dịch toàn cầu đã qua đi, tại Việt Nam với tỷ lệ tiêm phòng cao cùng với việc mở cửa biên giới hoàn toàn sau hai năm đã mở ra những cơ hội mới trong việc phát triển kinh tế trong năm 2022. Chúng ta có thể thấy rõ Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhu cầu từ các nhà đầu tư và họ đang tích cực tìm kiếm các giao dịch tại đây. Song song đó, xu hướng bền vững sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển của bất động sản tại Việt Nam”.

Dự báo về xu hướng mới của thị trường, ông Paul Fisher cho hay, bên cạnh các yếu tố về giá cả và vị trí, sự xuất hiện của những mô hình khu công nghiệp phát triển xanh và ứng dụng công nghệ trong việc quản lý vận hành được dự đoán là những lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư trong tương lai.

Đối với thị trường nhà xưởng xây sẵn có bước dịch chuyển sang quy mô lớn hơn để đón bắt nhu cầu của khách thuê, nhất là những khách ngoại quốc lựa chọn đặt nền móng hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhưng muốn tiết kiệm thời gian, chi phí và nhanh chóng đi vào hoạt động. Do quỹ đất công nghiệp đang ngày càng hạn chế, nhà xưởng xây sẵn nhiều tầng đang được xem là giải pháp trong tương lai gần cho các nhà đầu tư giúp mở rộng không gian và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Nguồn: reatimes.vn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *