Hàng loạt dự án phát triển giao thông từ nguồn vốn đầu tư công mở ra triển vọng bứt phá cho tỉnh Bình Dương. Thị trường bất động sản cũng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư này.

Bất động sản Bình Dương đón làn sóng đầu tư hạ tầng - 1
Bình Dương đang đầu tư nhiều dự án giao thông trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng làm nền tảng phát triển kinh tế (Ảnh: Khánh An).

Dòng vốn xây dựng hạ tầng

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, vốn ngân sách của tỉnh Bình Dương dành cho đầu tư công lên đến 50.000 tỷ đồng; ngân sách trung ương bố trí hơn 2.581 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Bình Dương dự kiến bố trí trên 8.579 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện 113 dự án.

Song song với kế hoạch nói trên, Bình Dương cũng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch sẽ được đồng loạt đầu tư, nâng cấp như quốc lộ 13, quốc lộ 14, quốc lộ 14C, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn, đường ĐT 741, ĐT 743, ĐT 744, ĐT 746, ĐT 747; đường tạo lực Tân Uyên – Phú Giáo – Đồng Xoài, đường Phú Giáo – Đồng Phú, cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Vành đai 3, Vành đai 4, cầu Bạch Đằng 2…

Ngoài ra, Bình Dương còn đang kiến nghị cho nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt từ khu công nghiệp Bàu Bàng đến cảng quốc tế Thị Vải và kéo dài tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đến thành phố Dĩ An…

Đây là những tuyến giao thông huyết mạch không chỉ của Bình Dương và xuyên suốt từ Tây Nguyên xuống vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi hoàn thành, hệ thống giao thông này sẽ giúp Bình Dương giữ vững vị thế về phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư và làm bàn đạp phục hồi kinh tế – xã hội. Đây cũng là định hướng phát triển mà Bình Dương theo đuổi nhằm dịch chuyển sản xuất công nghiệp lên khu vực phía Bắc như Phú Giáo, Tân Uyên, Bàu Bàng…

Bất động sản Bình Dương đón làn sóng đầu tư hạ tầng - 2
Một khu công nghiệp hiện đại có nhiều nhà máy của nước ngoài trên địa bàn Bàu Bàng (Ảnh: Khánh An).

Bên cạnh giao thông liên kết vùng, các tuyến giao thông đối nội cũng đang được Bình Dương đầu tư khá tốt. Điển hình như xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng, đường Tân Long – Lai Uyên, đường Thủ Biên – Đất Cuốc, ĐH 501, ĐH 502, ĐH 503, ĐH 506, ĐH 508, ĐH 520… Các tuyến đường quan trọng này sẽ giúp liên kết thuận lợi các vùng sản xuất công nghiệp của Bình Dương. Như vậy, tương lai, Bình Dương sẽ sở hữu hệ thống giao thông đối ngoại và đối nội phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa thông suốt và là đòn bẩy thúc đẩy tiến trình đô thị hóa trên diện rộng.

Đón sóng đầu tư bất động sản

Để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đang tính toán các gói hỗ trợ tài chính lớn để thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động. Trong đó, thúc đẩy đầu tư công là một trong những trụ cột chính, bởi từ đây sẽ tạo tác động lan tỏa tới các ngành nghề, lĩnh vực liên quan hồi phục và phát triển.

Theo các chuyên gia, thông thường phần lớn vốn đầu tư công sẽ dành cho xây dựng, phát triển hạ tầng bởi những lĩnh vực này giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế. Đây là “vốn mồi” kích thích đầu tư tư nhân phát triển vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ đó tạo công ăn việc làm cho nhà thầu xây dựng, làm tăng nhu cầu mua sắm vật liệu xây dựng. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu xây dựng cũng sẽ có nhiều việc làm hơn. Cứ thế, vòng xoay vốn sẽ tiếp sức cho nền kinh tế từng bước phục hồi và tăng trưởng.

Bất động sản Bình Dương đón làn sóng đầu tư hạ tầng - 3
Hàng nghìn khách hàng tham dự sự kiện công bố dự án mới tại khu vực Bàu Bàng (Ảnh: Khánh An).

Ở một góc độ khác, tình hình quốc tế bất ổn và lạm phát tăng cao cũng đang khiến dòng vốn quốc tế tìm nơi trú ẩn an toàn mà Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng. Trong đó, Bình Dương được nhiều tập đoàn lựa chọn mở nhà máy khi sáu tháng đầu năm đã thu hút 2,5 tỷ USD vốn FDI. Bất động sản cũng là lĩnh vực được nhiều tập đoàn lựa chọn bởi không chỉ giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn mà còn có khả năng sinh lợi.

Năm 2022 và giai đoạn tiếp theo, Bình Dương nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây chú ý ở thị trường bất động sản vùng ven TPHCM nhờ hệ thống giao thông và kinh tế phát triển mạnh. Giàu triển vọng nhất là vùng tứ giác phía Bắc tỉnh Bình Dương gồm Phú Giáo, Tân Uyên, Bến Cát và Bàu Bàng – những khu vực nắm giữ lợi thế lớn bởi mặt bằng giá đất còn triển vọng so với ba thành phố Thủ Dầu Một hay Thuận An, Dĩ An. Đây là lý do giới kinh doanh bất động sản nhận định những nhà đầu tư nhanh nhạy “xuống tiền” sớm tại các khu vực này sắp tới sẽ thu được biên lợi nhuận.

Nguồn: dantri.com.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *