Tại Kỳ họp thứ Sáu (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra chiều 12/4, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết quan trọng. Trong đó có Nghị quyết Cân đối bố trí vốn ngân sách cấp tỉnh để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thành phần 3 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường thực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham dự kỳ họp.
Tham gia cùng ngân sách Trung ương
Trình bày tờ trình tại Kỳ họp, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021 do Bộ GT-VT là cơ quan có thẩm quyền. Do đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không cân đối vốn ngân sách địa phương cho dự án này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh.
Tại Thông báo số 63/TB-VPCP ngày 2/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận thực hiện đầu tư dự án này theo phương thức đầu tư công theo đề nghị của Bộ GT-VT. Ngày 18/3/2022, Bộ GT-VT có Tờ trình số 2647/TTr-BGTVT về việc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1). Theo đó, Dự án có tổng chiều dài 53,7km; sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng; kiến nghị phân chia dự án thành 3 dự án thành phần, trong đó: dự án thành phần 3 (Km34+200 – Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng.
DỰ ÁN CẦU PHƯỚC AN
Chuyển mục đích sử dụng 0,26ha rừng trồng
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án cầu Phước An, TX. Phú Mỹ. Sau khi xem xét Tờ trình của UBND tỉnh và Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã Quyết nghị: Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với diện tích 0,26 ha rừng trồng tại các lô 1a và 2a thuộc khoảnh a, tiểu khu 1, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ để thực hiện dự án cầu Phước An.
Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt do UBND tỉnh cấp quyết định đầu tư. Chủ đầu tư là BQL Dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Tổng diện tích dự án là 13,19ha, trong đó phạm vi thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 4,67 ha.
Cầu Phước An có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành với khu vực Cái Mép – Thị Vải, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nhanh chóng hơn. Thuận lợi về giao thông kết nối sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế hơn để thu hút nguồn hàng về cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, qua đó phát huy thế mạnh từ kinh tế cảng biển.
Hiện nay, tình hình ngân sách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong giai đoạn 2021-2025 đang gặp rất nhiều khó khăn: Trung ương cắt giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách năm 2022 (giảm từ 64% xuống 56%). Đồng thời, tỉnh đang tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng (cầu Phước An, đường 991B, đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận, đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh và khoảng 20km mà Bộ GT-VT thống nhất trình Chính phủ tách ra khỏi dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giao tỉnh cân đối ngân sách đầu tư,…).Ngày 31/3/2022, Ban cán sự đảng Chính phủ ban hành Thông báo số 702-TB/BCSĐCP kết luận về chủ trương đầu tư các đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và Biên Hòa – Vũng Tàu. Tại Điểm d, Khoản 1 của Thông báo này, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo: “UBND tỉnh, thành phố có văn bản gửi Bộ KH-ĐT và Bộ GT-VT thống nhất làm cơ quan chủ quản các dự án thành phần và cam kết số vốn ngân sách địa phương bố trí một phần cho công tác giải phóng mặt bằng dự án thuộc địa bàn (thu xếp vốn giải phóng mặt bằng của các địa phương tối thiểu 50%)”. Như vậy, với kinh phí bồi thường dự kiến dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu thì tỉnh phải bố trí tối thiểu 666,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh cam kết cân đối bố trí 670 tỷ đồng (từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025) để tham gia cùng ngân sách Trung ương thực hiện dự án thành phần 3 thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Đầu tư đoạn từ QL56 đến Vũng Tàu
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh thông tin, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là đường huyết mạch, mở ra kết nối hạ tầng không chỉ cho tỉnh mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án ban đầu có chiều dài khoảng 70km từ Biên Hòa đến Vũng Tàu. Tuy nhiên, qua nhiều lần điều chỉnh về quy mô thì dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu chỉ còn 53,7km từ Biên Hòa đến Km53+700 giao với QL56 thuộc TP. Bà Rịa. Còn hơn 16km từ QL56 đến điểm giao QL51B, QL51C – vòng xoay Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu) không còn nằm trong dự án.
Ông Phạm Viết Thanh thông tin thêm, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã thống nhất giao UBND tỉnh nghiên cứu trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch vốn ngân sách trung hạn dành cho đầu tư trong giai đoạn 2021-2026 và cố gắng chủ động đầu tư đoạn 16km từ QL56 về TP. Vũng Tàu.
“Nếu làm được đoạn này, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ phát huy đầy đủ lợi thế. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh. Đồng thời, cũng thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ là trong trung hạn 2021-2026, tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra động lực mới cho phát triển KT-XH”, ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.
Nguồn: baobariavungtau.com