Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến về cơ chế đầu tư các tuyến đường Vành đai 4 TP HCM, đường cao tốc TP HCM – Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đoạn từ Bàu Bàng đến Dĩ An. Dự kiến hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2023, báo cáo cấp có thẩm quyền cuối năm 2024.
Tuyến đường sắt Bàu Bàng – Thị Vải – Cái Mép là đoạn thuộc các tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, Trảng Bom – Hòa Hưng (nhánh tuyến mới đường sắt Hà Nội – TP HCM) và tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu đã được hoạch định với lộ trình nghiên cứu, đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Các tuyến đường sắt nêu trên cũng nằm trong danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 (dự kiến hình thức đầu tư PPP – hợp tác công tư). Hiện nay, Bộ đã tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt, tuy nhiên, do Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt điều chỉnh, Luật đầu tư công được ban hành, sửa đổi và nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên tạm dừng nghiên cứu.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã tiếp tục giao Ban Quản lý dự án Đường sắt lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
Đối với nội dung đề xuất của UBND tỉnh Bình Dương , Bộ GTVT ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đoạn từ Bàu Bàng đến Dĩ An.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục cân đối nguồn lực giao các đơn vị nghiên cứu đoạn từ Dĩ An – Biên Hòa trong thời gian tới. Trường hợp UBND tỉnh Bình Dương huy động được nguồn lực theo phương án đề xuất, Bộ đề nghị tỉnh nghiên cứu phương án tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm đoạn từ Bàu Bàng đến Dĩ An và đoạn nối từ Dĩ An tới Biên Hòa.
Bình Dương đang có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua dài 8,6 km, nằm trên địa bàn TP Dĩ An với Ga Sóng Thần và Ga Dĩ An. Trong đó, Ga Sóng Thần có công suất vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa/năm, xếp dỡ bình quân là 5 xe/ngày và Ga Dĩ An làm nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức tránh vượt các đoàn tàu Bắc Nam.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ địa phương về đề xuất đầu tư tuyến đường sắt từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trên cơ sở quy hoạch đường sắt Xuyên Á để kết nối giao thông các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Tây Nguyên với sân bay, cảng biển quốc tế.
Hiện, nhiều địa phương cũng đang đề xuất sớm thực hiện các dự án đường sắt để kết nối liên vùng, phát triển kinh tế. Cụ thể như các tuyến đường sắt nhẹ Long Thành – Thủ Thiêm, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, đường sắt tốc độ cao TP.HCM – Cần Thơ, khôi phục đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm…
Nguồn: mekongasean.vn.