Trong 8 tháng của năm 2022, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực Đông Nam bộ vẫn dẫn đầu trong thu hút FDI, nhưng có sự thay đổi trong các tỉnh, thành.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, thu hút vốn FDI vào Đông Nam bộ trong 8 tháng của năm 2022 đạt trên 6,2 tỷ USD, chiếm hơn 48% tổng nguồn vốn FDI thu hút trên cả nước. Trong đó, dẫn đầu là TP.HCM với hơn 2,71 tỷ USD, tiếp đến là Bình Dương gần 2,6 tỷ USD, Đồng Nai khoảng 656 triệu USD.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: H.Giang

* Chọn dự án xanh

Hiện nay, các tỉnh, thành ở Đông Nam bộ thu hút đầu tư FDI có sự chọn lọc kỹ càng, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao sẽ bị từ chối. Do đó, những dự án thu hút được hầu hết có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và thuộc lĩnh vực các tỉnh, thành đang khuyến khích mời gọi đầu tư. Lĩnh vực các tỉnh, thành mời gọi và xúc tiến đầu tư nhiều là công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Những nơi được doanh nghiệp (DN) FDI chú ý nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu.

Tại TP.HCM, các DN FDI đầu tư nhiều vào thương mại dịch vụ, công nghiệp; ở Đồng Nai và Bình Dương chủ yếu sản xuất công nghiệp. Từ đầu năm đến nay, trong khi TP.HCM và Bình Dương thu hút FDI tăng khá cao so với cùng kỳ thì Đồng Nai lại giảm mạnh và lần đầu tiên rớt hạng rời khỏi tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên đánh giá: “Trong 8 tháng của năm 2022, lần đầu tiên sau hơn 30 năm thu hút FDI, Đồng Nai rời khỏi tốp đầu của Việt Nam về thu hút FDI. Các dự án thu hút được hầu hết vào các khu công nghiệp đang hoạt động, dự án ngoài khu công nghiệp ít thu hút vốn FDI. Với lĩnh vực công nghiệp thì Đồng Nai gặp trở ngại do hết đất diện tích lớn trong khu công nghiệp để cho thuê, dự án ngoài khu công nghiệp lại vướng về thủ tục đầu tư, đất đai nên chưa cấp chứng nhận đầu tư được. Do đó, trong 8 tháng của năm 2022 chỉ thu hút vốn FDI hơn 656 triệu USD, bằng 68% so với cùng kỳ năm trước”.

Đến giữa tháng 9-2022, các khu công nghiệp của Đồng Nai đã lấp đầy hơn 85%, diện tích đất còn lại đa số vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai xây dựng được hạ tầng kỹ thuật. Do đó, nhiều DN FDI sau khi đăng ký vào tỉnh không chờ đợi được đã dời dự án đến tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Nếu Đồng Nai có diện tích đất công nghiệp lớn cho thuê đã thu hút được gần 2 tỷ USD vốn FDI. Đơn cử như dự án Tập đoàn Lego (Đan Mạch) trước khi đầu tư vào Bình Dương đã dự tính đầu tư vào tỉnh Đồng Nai, nhưng do tỉnh không có quỹ đất công nghiệp lớn giao cho DN triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nên DN đã chuyển hướng sang Bình Dương”.

Dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn nhưng TP.HCM vẫn là nơi được nhiều DN FDI chú ý và rót vốn vào nhiều lĩnh vực. Theo Sở KH-ĐT TP.HCM, trong 8 tháng của năm 2022, TP.HCM dẫn đầu vùng Đông Nam bộ về thu hút vốn FDI với 2,71 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có gần 480 dự án FDI mới có vốn đăng ký trên 309 triệu USD, gần 100 dự án điều chỉnh tăng thêm 1,47 tỷ USD và hơn 1,6 ngàn trường hợp DN FDI mua lại cổ phần, góp vốn với DN trong nước 926 triệu USD. Các dự án FDI TP.HCM thu hút được đều có công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thành phố hướng đến nền kinh tế xanh.

* Đồng Nai khó trở lại tốp đầu?

Với những khó khăn như hiện tại, trong năm 2022 và 2023, Đồng Nai rất khó trở lại bảng xếp hạng tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Bởi trong vòng hơn 1 năm nữa, tỉnh rất khó hoàn thành việc thu hồi đất cho các khu công nghiệp mở rộng và khu công nghiệp thành lập mới. Như vậy, việc thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp tiếp tục gặp trở ngại, vì với diện tích nhỏ, tỉnh chỉ có thể thu hút được những dự án vốn nhỏ.

Vì thế, từ nay đến cuối năm 2022 và năm sau, Đồng Nai chủ yếu trông đợi vào việc các khó khăn liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… được tháo gỡ kịp thời, các DN FDI có thể hoàn tất hồ sơ để đăng ký cấp giấy chứng nhận các dự án ngoài khu công nghiệp. Cụ thể như dự án về khu dân cư, khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ.

Ông Tetsuyuki Nakagawa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), cho biết: “Công ty đang hoàn tất thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng để sớm triển khai dự án trung tâm thương mại tại TP.Biên Hòa. Nếu các thủ tục được giải quyết nhanh, công ty sẽ đầu tư vào tỉnh 268 triệu USD để xây dựng trung tâm thương mại lớn của vùng Đông Nam bộ. Ngoài mở rộng thương mại tại Đồng Nai, công ty sẽ liên kết với các DN Nhật Bản khác cùng đầu tư vào tỉnh”.

Vừa qua, trong hội nghị Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại khu vực phía Nam, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông đã lưu ý, dòng vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Đông Nam bộ là nơi nhiều DN FDI muốn đầu tư vào công nghiệp, thương mại dịch vụ và các lĩnh vực khác. Các tỉnh, thành muốn thu hút dòng vốn FDI lớn thì phải chuẩn bị sẵn các điều kiện nhà đầu tư đang cần như: quy hoạch, đất đai, giao thông kết nối thuận lợi. Bên cạnh đó, những vướng mắc của DN phải được kịp thời tháo gỡ. Đồng Nai là nơi có nhiều lợi thế để thu hút những dự án FDI xanh đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hầu hết, các tập đoàn FDI khi đến Đồng Nai đều đánh giá cao về tiềm năng của tỉnh và cho biết sẵn sàng đầu tư vào tỉnh nếu có quy hoạch chi tiết, đất đai. Vì vậy, tỉnh muốn trở lại tốp đầu về thu hút FDI sớm phải giải quyết xong những vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai.

Nguồn: baodongnai.com.vn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *