Sáng 16/6, với 475/479 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,18% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 (sau đây gọi là Nghị quyết).

Tổng mức đầu tư của dự án là 17.837 tỷ đồng

Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 (sau đây gọi là Dự án) có chiều dài khoảng 53,7 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Từ năm 2022 chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2026.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 17.837 tỷ đồng, trong đó: nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 14.270 tỷ đồng, giai đoạn 2026 – 2030 là 3.567 tỷ đồng.

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 519,64 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 34,29 ha, đất dân cư khoảng 30,45 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 205,31 ha, đất trồng cây hằng năm khoảng 52,63 ha, đất nuôi trồng thủy hải sản khoảng 2,55 ha và đất khác khoảng 194,41 ha. Giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch.

Chính phủ tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành

Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc: Tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện Dự án.

Chính phủ chỉ đạo rà soát và chịu trách nhiệm về tính khả thi của nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông-Vận tải; tính toán phạm vi và tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án theo quy định pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí.

Quốc hội giao Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện Dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai Dự án.

Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án. Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương nào tăng/giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *