Lĩnh vực bất động sản công nghiệp cho thấy “sức đề kháng” mạnh mẽ với dịch bệnh trong hơn 2 năm qua và trở thành kênh đầu tư yêu thích của những “tay chơi” vừa lạ, vừa quen.
Cuộc đổ bộ của những “người quen”
Tuy là “tấm chiếu mới” ở phân khúc bất động sản công nghiệp, nhưng lại là “người quen” trong lĩnh vực địa ốc hay tài chính, chẳng hạn Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), công ty con của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) được thành lập hồi đầu năm 2021 với số vốn lên tới 3.000 tỷ đồng.
PDI được định hướng để phát triển các khu, cụm công nghiệp đô thị dịch vụ có quy mô từ 1.000-6.000 ha tại những địa phương có chủ trương phát triển mạnh công nghiệp như Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, Phú Quốc… Doanh nghiệp này hiện đang trong quá trình chuẩn bị cho loạt dự án dự kiến khởi công giai đoạn 2023-2024 như khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phát Đạt – Dung Quất (Quảng Ngãi) quy mô 1.152 ha; Cụm công nghiệp Hàm Ninh (Phú Quốc) quy mô 59,16 ha; khu công nghiệp Cao Lãnh và Cao Lãnh II, III (Đồng Tháp) phân kỳ 1 quy mô 1.000 ha…, bên cạnh những dự án đang triển khai như Khu kho bãi tổng hợp dịch vụ logistics Tài Tiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) quy mô 24 ha…
Tương tự là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, một thành viên của Tập đoàn Ecopark. TDH Ecoland đang bắt tay cùng một số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư gần 1.800 tỷ đồng vào khu công nghiệp sạch ở huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) với quy mô 143 ha.
Hay như Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI – SSIAM, một cái tên quen thuộc trong làng tài chính (100% sở hữu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI) cũng cho thấy động thái lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp khi mới công bố bắt tay hợp tác với Công ty cổ phần Shinec nghiên cứu dự án khu công nghiệp Ninh Sơn nằm trong Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) với quy mô khoảng 620 ha.
Ngoài những “tay chơi mới”, không thể không nhắc đến sự chuyển hướng hay việc tham gia sâu hơn vào sân chơi đầy tiềm năng này của một loạt doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes, Tập đoàn Hòa Phát, DRH Holdings, Tập đoàn Sơn Hà, Công ty cổ phần Xây dựng 1369…
Mở ra các thị trường mới
Sự tham gia ngày một nhiều của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho thấy bất động sản công nghiệp Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ, khi đi cùng với đó là sự khai phá các thị trường mới thay cho những vùng công nghiệp quen thuộc trước đó. Theo đó, ngoài Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, hay TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam, thị trường bất động sản công nghiệp dần hình thành nên những khu vực mới như Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Thuận, Long An…
“Với những thị trường mới, 2 yếu tố quan trọng để có thể thu hút tốt khách thuê đó là vị trí và hạ tầng giao thông. Bà Huỳnh Bửu Trân, Giám đốc điều hành KCN Việt Nam”
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, khi các địa phương đi trước như Bình Dương, Đồng Nai trở nên “chật chội” hơn thì việc các chủ đầu tư khu công nghiệp mở rộng tìm kiếm sang các địa phương khác là điều tất yếu, nhất là những nơi đáp ứng tốt các yêu cầu thay thế.
Chẳng hạn, tại Bình Thuận, hiện địa phương này đã hình thành những dự án nổi bật như khu công nghiệp dịch vụ đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại Hàm Tân và La Gi với tổng vốn đầu tư 18.840 tỷ đồng do Tổng công ty Becamex IDC và Tổng công ty VSIP cùng hợp tác phát triển, dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Sonadezi Bình Thuận… Điều tương tự cũng diễn ra với Thanh Hóa, một địa phương có nhiều lợi thế về quỹ đất, giá thuê, cơ sở hạ tầng và chính sách phát triển khu công nghiệp.
Cùng góc nhìn, bà Huỳnh Bửu Trân, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam cho rằng, khi nguồn cung sản phẩm tại những thị trường truyền thống như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, Bình Dương… ngày một hạn chế, thì những thị trường mới như Long An, Bắc Giang, Thanh Hóa… có thể san sẻ nhờ có đất dồi dào, giá thuê hấp dẫn, vị trí đẹp, hạ tầng giao thông thuận lợi…, trong đó Bắc Giang phù hợp với các lĩnh vực điện tử, điện lạnh…, Long An thích hợp nhóm ngành F&B (công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống), kho lạnh…
“Với những thị trường mới, 2 yếu tố quan trọng để có thể thu hút tốt khách thuê đó là vị trí và hạ tầng giao thông”, bà Trân nhấn mạnh.
Cũng là một thị trường mới đầy tiềm năng ở khu vực phía Bắc, Hải Dương đang được nhiều nhà đầu tư bất động sản công nghiệp chú ý. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tuấn Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 1369 (mã C69) cho biết, Hải Dương nằm ở vị trí đắc địa trong trung tâm “tam giác kinh tế” Hải Phòng, Hà Nội và Quảng Ninh với hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh bao gồm cả đường biển, đường sông, đường bộ: Nằm trên trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, gần cảng biển quốc tế Hải Phòng và sân bay Cát Bi (Hải Phòng), sân bay Nội Bài (Hà Nội). Hải Dương kết hợp với Hải Phòng và Quảng Ninh thành tam giác trọng điểm kinh tế khu vực phía Đông vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đây là thuận lợi rất lớn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí đóng tàu, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ven biển như cảng nội địa, logistics xuất nhập khẩu hàng hóa…
Về nguồn cung lao động, Hải Dương hiện có 1 triệu người trong độ tuổi lao động trong tổng số 1,8 triệu dân số của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,8%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Cùng với đó, Hải Dương có chính sách thu hút đầu tư thông thoáng với 18 khu, cụm công nghiệp được thành lập, tổng diện tích gần 3.000 ha, trong đó 12 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực FDI vào Hải Dương hiện chiếm tỷ trọng khoảng 34% GRDP và đến nay, đã có gần 500 dự án FDI đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký hơn 9,1 tỷ USD tới từ nhiều tập đoàn lớn toàn cầu như Samsung, LG, Foxconn…, trong đó vốn thực hiện chiếm khoảng 75% (theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương).
Sắp tới, Hải Dương có kế hoạch phát triển thêm 10-15 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.000 ha, qua đó trở thành địa phương có quỹ đất công nghiệp mở rộng lớn nhất khu vực phía Bắc. Hải Dương cũng đang được xếp trong nhóm địa phương nắm nhiều ưu thế trong cuộc đua bất động sản công nghiệp Việt Nam nhờ có quỹ đất dồi dào, cơ sở hạ tầng liên tục được cải thiện những năm gần đây, trong khi giá thuê vẫn ở mức hợp lý so với nhiều địa phương khác.
Về phía chủ đầu tư, là “tay chơi mới”, C69 cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu, cụm công nghiệp mới do chính C69 và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư như Cụm công nghiệp Lương Điền 2 (diện tích 52 ha ở huyện Cẩm Giàng), Cụm công nghiệp Nghĩa An 3 (diện tích 56,6 ha ở huyện Ninh Giang)…
“Hiện nay, bên cạnh việc gấp rút hoàn thiện thủ tục pháp lý cho quỹ đất bất động sản công nghiệp hiện hữu, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm quỹ đất mới để mở rộng danh mục sản phẩm của mình”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Nguồn: cafaland.vn