Bất chấp đợt bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại Việt Nam, các khu công nghiệp mới vẫn mọc lên, nhều các dự án công nghiệp trọng điểm đã bắt đầu hoạt động.
Trong nửa đầu năm 2021, thị trường bất động sản khu công nghiệp chứng kiến các thương vụ M&A mới với nguồn cung đất công nghiệp được cải thiện tích cực.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại phức tạp nhất từ trước đến nay, chia sẻ với Zing, ông John Campbell – Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam – đánh giá mặc dù nhiều KCN buộc phải tạm ngừng hoạt động do tình trạng lây lan dịch bệnh giữa các công nhân sản xuất song thị trường vẫn ghi nhận hàng loạt dấu hiệu tích cực và đáng lạc quan.
Các dự án sản xuất lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 đến từ các doanh nghiệp Hong Kong và Singapore tại các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.
Hàng loạt nhà máy đóng cửa vì đại dịch
Tính đến ngày 14/7, cả nước ghi nhận tổng số 35.409 trường hợp Covid-19, 9.553 ca trong số đó đã hồi phục và xuất viện. Hầu hết trường hợp lây truyền tại cộng đồng mới nhất ở miền Nam tập trung tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre và Khánh Hòa.
TP.HCM đã cho đóng cửa một số nhà máy tại Khu công nghệ cao Sài Gòn, trong đó có khu phức hợp Samsung sau khi phát hiện hơn 700 trường hợp tại một nhà máy ở đây. Hiện các nhà máy trong khu công nghệ cao buộc phải cho công nhân vào ở trong khuôn viên để hoạt động.
Một trong những tín hiệu tích cực là vaccine Moderna Covid-19 đã được phê duyệt để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và là loại vaccine thứ 5 được phê duyệt sau Oxford-AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.
Ông John Campbell khẳng định việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong nước tiếp tục gây khó khăn cho các chủ đầu tư đang cố gắng thuê đất, nhà xưởng và nhà kho. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch tiêm chủng toàn dân và chương trình hộ chiếu vaccine đang tạo niềm tin cho các chủ nhà cũng như các nhà đầu tư.
Theo Trading Economics, trong tháng 6 vừa qua, sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức tăng 11,8% trong tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống 44,1 từ mức 53,1 vào tháng 5.
“Điều này cho thấy điều kiện kinh doanh xấu đi mạnh nhất kể từ tháng 5/2020 và kết quả mới nhất đã kết thúc giai đoạn tăng trưởng kéo dài suốt 6 tháng qua. Sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi việc làm giảm lần đầu tiên sau 5 tháng”, ông John Campbell nói.
“Hơn nữa, đại dịch cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, dẫn đến thời gian giao hàng kéo dài gần kỷ lục. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát chi phí đầu vào cao rõ rệt, các doanh nghiệp đã nâng nhẹ giá bán của mình”, ông cho biết thêm.
Dòng FDI từ Hong Kong dẫn đầu
Mặc dù vậy, các công ty vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới. Tính đến ngày 20/6, FDI vào Việt Nam đạt 15,27 tỷ USD. Lĩnh vực chế biến chế tạo thu hút 6,97 USD, chiếm 45%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, vốn sản xuất hiện tại ở mức 3,38 tỷ USD vẫn cao hơn con số 3,23 tỷ USD của năm ngoái.
Số liệu của Savills cho thấy theo khu vực, miền Bắc nhận được phần lớn các khoản đầu tư mới đăng ký vào lĩnh vực sản xuất với 1,97 tỷ USD đáng kể, chiếm 64% thị phần. Tiếp theo là miền Nam với 728 triệu USD, chiếm 23%, trong khi miền Trung thu hút 395 triệu USD, tương đương 13%.
Xét về các tỉnh, Bắc Giang có số vốn sản xuất đăng ký mới cao nhất với 589 triệu USD, theo sau là Quảng Ninh với 569 triệu USD và Bắc Ninh với 222 triệu USD. Đại diện miền Nam là Bình Dương đứng ở vị trí thứ 4 với 208 triệu USD.
Về quốc tịch, các nhà đầu tư Hong Kong đã đầu nguồn FDI vào lĩnh vực sản xuất cao nhất trong nửa đầu năm với hơn 852 triệu USD, chiếm 27% thị phần. Singapore đứng ở vị trí thứ hai với 655 USD (21%), tiếp theo là Trung Quốc với 549 USD (18%) và Hàn Quốc với 330 triệu USD (11%).
Các dự án sản xuất lớn nhất trong nửa đầu năm 2021 là của Jinko Solar và Fukang Technology đến từ Hong Kong và Singapore đầu tư lần lượt 498 triệu USD và 270 triệu USD tại Quảng Ninh và Bắc Giang. Điều đặc biệt là không có khoản đầu tư lớn nào vào lĩnh vực sản xuất và chế biến trong 6 tháng qua ở khu vực phía Nam.
M&A khu công nghiệp sôi động
Về hoạt động M&A, đại diện Savills Việt Nam cũng khẳng định năm 2021 chứng kiến nhiều thương vụ M&A mới.
Boustead Projects đã ký một thỏa thuận tùy chọn cho việc đề xuất mua lại 49% cổ phần trong KTG & Boustead Boustead Industrial Logistics JSC. Nếu thành công, thương vụ này sẽ mang lại 13 dự án bất động sản (10 trong số đó thuộc về KTG và 3 thuộc về Boustead Project) với tổng giá trị tài sản lên tới 141 triệu USD bao gồm khoảng 840.000 m2 diện tích đất và khoảng 550.000 m2 tổng giá trị cho thuê khu vực.
ESR Cayman Limited (nền tảng bất động sản hậu cần tập trung lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương) và Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW (nhà phát triển và vận hành bất động sản công nghiệp và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam) đã liên doanh để phát triển 240.000 m2 tại KCN Mỹ Phước 4 gần TP.HCM.
Sự hợp tác này đánh dấu sự gia nhập của ESR vào Việt Nam, mở rộng phạm vi hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á của tập đoàn.
Về các dự án mới, dự án Logos Property rộng 81.000 m2 tại Khu Logistics VSIP Bắc Ninh 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý IV năm nay.
Một gương mặt mới trên thị trường là Công ty CP Tập đoàn KCN Việt Nam đã gây sự chú ý nhờ thương vụ thâu tóm quỹ đất rộng 250 ha với vốn đầu tư 300 triệu USD.
Nhà đầu tư này đặt mục tiêu phát triển các nhà máy và kho cho thuê cao cấp, bền vững tại Việt Nam với danh mục đầu tư trải dài khắp cả nước tại các tỉnh như Bắc Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai và Long An.
Nguồn cung khu công nghiệp mới dồi dào
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I vừa qua cả nước có 370 KCN với diện tích 115.200 ha. Hàng chục dự án KCN tại 13 tỉnh thành phố đã được phê duyệt trong quý I, kỳ vọng cung cấp hàng nghìn ha mới cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.
Bắc Ninh có số lượng dự án lớn nhất với 5 khu công nghiệp (KCN) sắp khai trương. Tiêu biểu, KCN Quế Võ III có diện tích 208,54 ha với tổng vốn đầu tư 120,87 triệu USD. KCN Gia Bình II có diện tích 250 ha (do Tập đoàn Hanaka phát triển) với tổng vốn đầu tư 172,17 triệu USD.
Quảng Trị cũng kỳ vọng vào các dự án mới như KCN Triệu Phú với tổng diện tích gần 529 ha. Ngoài ra, KCN Quảng Trị có diện tích 481,2 ha, tổng vốn đầu tư 90,17 triệu USD, do liên doanh 3 nhà đầu tư phát triển là KCN Việt Nam – Singapore (VSIP), Công ty cổ phần Amata City Biên Hòa.
Vĩnh Phúc cũng kỳ vọng một số KCN mới sẽ mang lại tổng nguồn cung 500 ha như Sông Lô, Tam Đường 1, Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa. Ngoài ra, các dự án mới dự kiến sẽ ở Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Nam Định và Nghệ An.
Ở phía Nam, UBND tỉnh Đồng Nai có kế hoạch phát triển thêm 3 KCN với tổng diện tích 6.475 ha nhằm giải quyết tình trạng quá tải của các KCN hiện nay.
Đáng chú ý, 3 KCN là Long Đức rộng 3.253 ha, Bàu Cạn – Tân Hiệp quy mô 2.627 ha ở huyện Long Thành, và Xuân Quế – Sông Nhạn diện tích 3.595 ha ở huyện Cẩm Mỹ. Ba KCN này của Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt và bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Long An dự kiến sẽ có một dự án KCN mới trị giá 59 triệu USD tại huyện Đức Hòa. Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương dự án xây dựng Khu công nghiệp Thế Kỷ, đặt tại xã Hựu Thạnh, phía Nam tỉnh Long An, do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư. Với diện tích hơn 119 ha, dự án sẽ được xây dựng với chi phí 58,9 triệu USD, trong đó 17,4 triệu USD là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Ban quản lý các khu kinh tế Long An cho biết tỉnh sẽ có thêm khoảng 1.500 ha đất giải phóng mặt bằng trong các KCN để thu tiền từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2021. Các ngành thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất là dệt may và hàng may mặc, giày dép, thức ăn gia súc, gia cầm, hải sản, chế biến thực phẩm, đồ uống và sản xuất.
Theo Báo Xây dựng