Bất động sản giàu tiềm năng bứt phá nhờ đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Năm 2020, dưới tác động của Covid-19, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào khủng hoảng, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương, xấp xỉ 3%.
Bước ngoặt của kinh tế Việt Nam
Trải qua khoảng thời gian được đánh giá là năm thành công nhất trong 5 năm qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Công tác chống dịch thành công, duy trì mục tiêu kép vừa chiến đấu chống Covid-19 vừa giữ vững kinh tế, đã giúp Việt Nam trở thành điểm sáng đầu tư trong khu vực.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô kinh tế Việt Nam hiện đạt hơn 340 tỷ USD, thuộc Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tạp chí The Economist cũng xếp Việt Nam trong Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) của Anh, mức tăng trưởng ổn định và nhất quán sẽ giúp Việt Nam vượt qua các nền kinh tế lớn ở châu Á như Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan vào năm 2035. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo 7% một năm trong 5 năm tới và 6,6% trong thập kỷ tiếp theo. Để đến năm 2035, ước tính GDP của Việt Nam sẽ đạt 1.590 tỷ USD, tăng gần 5 lần so với hiện nay.
Tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 28,53 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư FDI hằng năm ổn định ở mức 10,4% trong giai đoạn 2013-2019, Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm thu hút nguồn vốn FDI của thế giới. Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam là một trong 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.
Những động lực cho giai đoạn phát triển mới
Năm 2021, Việt Nam đứng trước những thời cơ và động lực tăng trưởng khởi đầu giai đoạn phát triển mới. Trong đó hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP HCM đã đặt ra những chỉ tiêu đầy tham vọng cho ngắn hạn và trung, dài hạn trong 5 năm.
Năm qua, GRDP của TP HCM tăng 1,39%, các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương, tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách của cả nước. Bước sang giai đoạn mới, thành phố đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thiết kế đô thị, phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Động lực chính sách, quy hoạch và hạ tầng không chỉ góp phần tạo lập điểm sáng cho nền kinh tế TP HCM nói riêng và cả nước nói chung, mà còn tăng vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến tháng 11/2020, FDI vào lĩnh vực này tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh theo từng quý, bất chấp đại dịch. Tổng vốn FDI đổ vào bất động sản đạt 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2019. Riêng lượng vốn ghi nhận trong quý III/2020 tăng gấp 400% so với quý trước.
Thời cơ của bất động sản tại những khu vực trung tâm thành phố
Các chuyên gia lý giải, với môi trường đầu tư cởi mở, kinh tế vĩ mô ổn định và đang trên đà phát triển mạnh, cùng với lượng cầu và niềm tin vào thị trường bất động sản, lĩnh vực này đang là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn tìm kiếm lợi nhuận tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, các nhà đầu tư bất động sản đến từ châu Á – Thái Bình Dương, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam hơn so với thị trường tại nước sở tại. Vì vậy, đang có một lượng lớn các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc dành sự quan tâm lớn cho Việt Nam, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Mặt khác, trong bối cảnh TP HCM ước tính có đến 13-14 triệu người vào năm 2040 và tăng lên 16 triệu người vào năm 2060, tình trạng đất đai khan hiếm sẽ tiếp tục là yếu tố tác động mạnh lên mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt tại khu trung tâm. Với nguồn cung hạn chế và nhu cầu nhà ở luôn cao, các dự án ở quận 1, nếu có, chắc chắn sẽ có tiềm năng tăng giá hấp dẫn hơn cả.
Tờ South China Morning Post từ năm 2018 đã ghi nhận, các nhà đầu tư Trung Quốc đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển của bất động sản Việt Nam, đặc biệt là tại những vị trí đắc địa của TP HCM. Giá nhà tại thành phố đông dân nhất Việt Nam có thể sẽ giống như Pudong (Thượng Hải, Trung Quốc) với giá nhà có thể tăng 4-5 lần trong vòng 10 năm tới. Đó là lý do mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài săn lùng bất động sản vị trí đắt địa, sản phẩm khan hiếm và tiềm năng sinh lời cao đến từ nhu cầu thuê, mua hoặc chuyển nhượng.
TP HCM với Pudong của Thượng Hải (Trung Quốc) có nhiều nét tương đồng. 10 năm qua, giá nhà tại Pudong đã tăng chóng mặt khi hệ thống tàu điện ngầm, sân bay đi vào hoạt động. Và giá nhà ở TP HCM cũng có thể sẽ như thế trong 10 năm tới, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản nước ngoài nhận định.
Tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường TP HCM còn thể hiện qua đà phát triển của phân khúc cao cấp, hạng sang và siêu sang. Theo đó qua mỗi năm, thị trường chứng kiến những dự án mới của các đầu tư tầm cỡ, với chất lượng ngày càng cao và định vị phân khúc ngày càng được nâng tầm. Mới nhất, dòng sản phẩm Bất động sản hàng hiệu (branded residences) đã xuất hiện tại Việt Nam, quy tụ tại vị trí trung tâm của TP HCM dự kiến sẽ thay đổi mặt bằng giá thị trường căn hộ. Sự góp mặt của những tên tuổi thương hiệu hàng đầu thế giới hứa hẹn đưa thị trường Việt Nam tiến gần hơn đến với đẳng cấp của các thị trường phát triển trong khu vực.
Với tất cả những yếu tố về động lực tăng trưởng kinh tế, sự tham gia của các chủ đầu tư tầm cỡ, bất động sản hạng sang trung tâm TP HCM hội tụ đầy đủ tiềm năng tăng trưởng giá trị mạnh mẽ trong tương lai, mang về tỷ suất lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, đồng thời là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố và Việt Nam nói chung trong những năm tiếp theo.
Nguồn: vnexpress