Thời gian qua, nhiều địa phương xin mở rộng quy hoạch khu công nghiệp (KCN) với diện tích hàng nghìn ha. Việc mở rộng quy hoạch KCN với kỳ vọng “lót ổ” đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (vốn FDI) là hợp lý. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy các tỉnh, thành, địa phương có tình trạng nhà đầu tư “xí phần” rồi bỏ hoang, gây lãng phí đất đai sản xuất nông nghiệp.
“Rầm rộ” bổ sung quy hoạch KCN
Từ cuối năm 2020 đến nay, 26 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 14.900 ha tại các địa phương trên cả nước được bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam. Ở các tỉnh phía Nam, nhiều KCN được bổ sung. Trong đó, Đồng Nai là địa phương có diện tích các KCN bổ sung lớn nhất với hơn 7.000 ha (gồm KCN Phước An, Phước Bình 2, Long Đức 3; Bàu Cạn- Tân Hiệp và Xuân Quế – Sông Nhạn). Tỉnh Long An bổ sung KCN Lộc Giang rộng 466 ha và KCN Tân Lập rộng 654 ha và KCN Sài Gòn- Mê Kông rộng 200 ha.
Ở miền Bắc, việc bổ sung diện tích KCN đang khá… nhộn nhịp. Đơn cử, tỉnh Hưng Yên vừa bổ sung hàng loạt KCN vào quy hoạch như: KCN số 5 rộng 192 ha tại huyện Ân Thi và huyện Kim Động; KCN Thổ Hoàng rộng 250 ha tại huyện Ân Thi; KCN Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3 rộng 180 ha tại thị xã Mỹ Hào và KCN Yên Mỹ II mở rộng với diện tích 216 ha tại huyện Yên Mỹ.
Còn tỉnh Lạng Sơn, địa phương này cũng vừa bổ sung huyện Hữu Lũng vào quy hoạch với khu công nghiệp quy mô diện tích 599,76 ha tại các xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng. UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng tập trung xây dựng các công trình nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp trước khi đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Không chỉ bổ sung quy hoạch, nhiều KCN được chấp nhận chủ trương đầu tư vào cuối năm 2020 như: KCN Becamex Bình Định – tỉnh Bình Định diện tích 1.000 ha; KCN Ledana – tỉnh Bình Phước rộng 424,5 ha; KCN quốc tế Trường Hải – tỉnh Long An rộng 162 ha và KCN Trần Đề – tỉnh Sóc Trăng với tổng diện tích đạt 1.746,5 ha.
Vốn đầu tư chỉ bằng 1/2 mức cam kết
Là một trong những địa phương xin bổ sung quy hoạch KCN, năm 2021, tỉnh Thái Nguyên bổ sung KCN Sông Công II giai đoạn 2 với diện tích 300 ha tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên và KCN Phú Bình với diện tích 675 ha tại xã Tân Hòa, xã Lương Phú và thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 và khu công nghiệp Phú Bình.
Những năm gần đây, Thái Nguyên được xem là điểm sáng thu hút đầu tư với nhiều DN FDI xây dựng như tổ hợp sản xuất điện thoại Samsung tại KCN Phổ Yên. Tuy nhiên, bên cạnh KCN thu hút được vốn đầu tư, nhiều KCN của Thái Nguyên đang trong tình trạng bỏ hoang, lãng phí.
KCN Nam Phổ Yên được đầu tư xây dựng từ năm 2007 với quy mô 200 ha, do Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Lệ Trạch (Đài Loan) và Công ty TNHH Vinaxuki Thái Nguyên làm chủ đầu tư tại xã Thuận Thành (Phổ Yên, Thái Nguyên), dự án nhà máy Vinaxuki nhiều năm qua trong tình trạng bỏ hoang.
Trong khi đó, trước đây khu vực dự án nhà máy từng là “bờ xôi ruộng mật” của người dân. Nhường đất cho dự án với kỳ vọng trở thành công nhân trong nhà máy nhưng dự án bỏ hoang khiến nông dân phải tìm công việc khác như làm thợ hồ, tìm việc làm ở địa phương khác.
KCN Trung Thành (Phổ Yên, Thái Nguyên) cũng bị bỏ hoang nhiều diện tích. Ngay cổng vào KCN, các toà nhà xây dựng dở dang. Lối vào KCN được người dân tận dụng làm nơi thả trâu bò. Theo bảo vệ của KCN Trung Thành, chủ đầu tư KCN này đã về nước từ lâu và giao cho một người Việt Nam đại diện.
Thái Nguyên chỉ là một trong nhiều địa phương có đất KCN bỏ hoang. Trên cả nước còn nhiều nơi đất KCN cũng bị bỏ hoang tương tự như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương…
Đến cuối năm 2020, cả nước có 369 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 114 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 73,6 nghìn ha, chiếm khoảng 59,3% diện tích đất tự nhiên. Trong đó, có 284 KCN đang hoạt động. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê làm KCN đạt 42,2 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 57,4%.
Đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,26 tỷ USD và 311,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn đầu tư đã thực hiện bằng khoảng 46,5% tổng vốn đầu tư đã đăng ký. Như vậy có tới 50% vốn đăng ký đầu tư KCN “vẫn nằm trên giấy”.
Nguồn: Cafeland