Bất động sản vẫn là một trong những kênh đầu tư đầy hứa hẹn thời gian tới, nhiều người quan tâm đến những chính sách pháp luật sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2021.
Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh chia sẻ với Cafeland về những chính sách nổi bật có sự tác động lớn đến thị trường bất động sản trong năm 2021.
Thành lập TP. Thủ Đức
Từ lúc mới có thông tin sẽ thành lập TP. Thủ Đức thì giá đất tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức đã tăng mạnh; ngoài ra các địa phương giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai giá đất cũng có sự “ăn theo” TP. Thủ Đức. Khi có Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021) về thành lập TP. Thủ Đức thì giá đất tại nơi này và các vùng giáp ranh lại lên một “nấc thang” mới.
Theo tôi, nếu trong tương lai TP. Thủ Đức phát triển như kỳ vọng của Trung ương, chính quyền TP. Hồ Chí Minh hướng đến thì bất động sản tại TP. Thủ Đức và các vùng giáp ranh sẽ có những “bước nhảy” mới, đầy cơ hội cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu thực tế không như kỳ vọng hoặc bất động sản nơi đây bị đẩy giá một cách phi thị trường, tạo nên hiện tượng “bong bóng” thì đấy sẽ là rủi ro cho nhà đầu tư. Do đó, trước khi có ý định đầu tư vào bất động sản tại nơi đây, nhà đầu tư cần theo dõi, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về mặt chính sách lẫn tình hình thực tiễn để tối ưu hóa lợi nhuận, hạn chế rủi ro; tránh tâm lý đầu tư theo đám đông, không chịu tìm hiểu mà cứ nghĩ “bỏ tiền ra sẽ chắc chắn có lời”.
Giảm lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Từ ngày 01/01/2021, theo Quyết định 2195/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán là 4.8%/năm (giảm 0.2%); mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê là 4.3%/năm (giảm 0.2%).
Theo tôi, với việc giảm lãi suất cho vay như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán, cho thuê; tạo nguồn cung về nhà ở xã hội.
Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến đất đai
Ngày 18/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/02/2021.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng liên quan đến đất đai, góp phần giải quyết được các vướng mắc đang tồn tại, đảm bảo quy định mới phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như sau:
– Sửa đổi quy định về hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất.
– Bổ sung quy định về hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất, kinh doanh đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà người sử dụng đất không được bồi thường về đất.
– Bổ sung quy định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa.
– Sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở…
5 quy định mới về nhà ở
Luật Đầu tư năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
Theo đó, đơn giản điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, quy định mới về dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và lựa chọn chủ đầu tư dự án, thêm hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, sửa đổi quy định liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở, điểm mới về trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ
Ngày 01/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Trong đó, có những nội dung liên quan đến đất đai. Cụ thể như sau:
– Rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách (trong đó có lĩnh vực đất đai) để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải phóng các nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
– Tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai, thực hiện kết nối liên thông với cơ quan thuế. Đẩy mạnh giải quyết, sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.
– Tập trung chất lượng quản lý hành chính đất đai; chú trọng giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.
Nguồn: cafeland