Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, sản phẩm linh hoạt, pháp lý, chuyển dịch dòng vốn FDI, giải ngân đầu tư công và số hoá là những xung lực mới thúc đẩy thị trường bất động sản trong năm nay.
Đầu tư bất động sản là kênh tốt
Bà Bùi Kim Thuỳ nêu câu hỏi với xu hướng phát triển các thị trường bất động sản bên ngoài các thành phố lớn như hiện nay, đâu là khu vực có nhiều tiềm lực đầu tư phát triển nhất?. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big và Lộc Sơn Hà nhận định, các nhà đầu tư cá nhân sẽ luôn quan tâm đến sự an toàn về mặt pháp lý. Chính vì thế, các dự án minh bạch giấy tờ sẽ bán tốt, bán nhanh vì pháp lý an toàn.
Với góc nhìn từ nhà phân phối, nghiên cứu thị trường vị này đánh giá tương lai sẽ gọi tên các thị trường mới như Quảng Bình, các nơi mức giá còn thấp.
“Giá bất động sản sẽ không giảm, hạ tầng càng tốt thì giá không giảm”, ông nhấn mạnh. Với tiềm năng hiện nay của Việt Nam, đối với các nhà đầu tư cá nhân, không có kênh nào tốt bằng bất động sản. Đây là thời điểm vàng để đầu tư bất động sản bởi lãi suất ngân hàng trong giai đoạn này đang rất tốt cho các nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hưởng nhận định, khu vực Tây Nguyên cũng có nhiều tiềm năng để đầu tư. “Măng Đen, Biển Hồ, rừng trồng thông ở Tây Nguyên đang bắt đầu là xu hướng, địa điểm mới về đầu tư du lịch, trong giai đoạn lãi suất ngân hàng, giá đất còn thấp nên đầu tư, không nên đợi bất động sản tăng giá mới mua”, ông nhận định.
Nhà đầu tư có thể chọn dự án vùng ven
Ông Trịnh Văn Quyết cho biết, nhà đầu tư nếu có nguồn lực dồi dào, trong 1- 2 năm tới có thể đầu tư vào khu vực ven. Lý do, tập đoàn này đầu tư dự án tại 10 tỉnh với các khu nghỉ dưỡng đều diễn biến giá đều khả quan. “Những khu vực ven đều có khả năng tăng giá.”, ông nói. Ví dụ, ở Bình Định và Quy Nhơn tăng từ 30 triệu đồng một lô lên mức 700 triệu một lô. Hay tại Gia Lai khi FLC đầu tư 500ha tại Pleiku, năm ngoái mua 1 mét mặt đường là 100 triệu đồng thì năm nay lên 180 triệu đồng. Nếu có sân golf và khu nghỉ dưỡng tương lai có thể sẽ còn tăng cao hơn. Ở Sầm Sơn cũng tương tự, trước đây nếu là 3 triệu đồng mỗi m2 thì hiện nay là 20 triệu đồng. Ông cũng khuyên nhà đầu tư mua vùng ven nhất là các khu vực có dự án sắp vận hành.
Giá bất động sản phụ thuộc vào thuế
Trả lời câu hỏi “Vì sao giá bất động sản tăng”, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định, tất cả chủ đầu tư đều phải đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật. Nhà nước thu tiền thuế sử dụng đất nên nếu tiền thuế thấp, giá bất động sản mới thấp.
Lấy ví dụ về dự án FLC Sầm Sơn, ông Quyết tính toán, một m2 chịu thuế sử dụng đất là 4 triệu đồng nên mỗi năm, doanh nghiệp chi hàng nghìn tỷ nộp thuế. Giá nhà còn cộng thêm khoảng 4 triệu xây dựng hạ tầng và khoảng trên dưới 20% cho đại lý bất động sản làm truyền thông, phí và các lệ phí khác. Ông khẳng định, nếu làm hạ tầng, giá bán mới được giá hơn 10 triệu đồng.
Giá nhà đất phụ thuộc vào điều phối của cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan thuế. Chủ đầu tư không có nguồn cung bên ngoài, lên xuống do cung cầu thị trường. Khi du lịch phát triển, giá đất tại Sầm Sơn mới tăng lên được 20 triệu đồng mỗi m2. Nhà đầu tư sẽ hưởng lợi chứ không phải chủ đầu tư.
Chủ tịch FLC cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, không nhiều chủ đầu tư có lãi nếu nếu tính thuế, tiền đền bù, thuế, chi phí vốn vay… “Nếu thị trường biến động mới có lãi còn không trong vài năm là không thể”, ông nhấn mạnh.
Với mức phí như vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đầu tư vào nhà ở xã hội. Trong khi nhu cầu nhà ở xã hội mới tập trung ở hai thành phố Hà Nội và TP HCM nhưng các thủ tục pháp lý mất thời gian. Nhiều doanh nghiệp như FLC muốn đầu tư vào phân khúc này nhưng thủ tục, quỹ đất lại không quyết định được.
Nhiều xung lực làm đòn bẩy cho thị trường
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chỉ ra những xung lực chờ đón thị trường bất động sản năm 2021 và nhiều năm tới.
Thứ nhất, thị trường đã điều chỉnh nhanh nhạy theo tình tình dịch bệnh cũng như đưa công nghệ vào bán hàng. Toàn cảnh ngành bất động sản 2021 dự báo khả quan với tăng trưởng kinh tế dự báo tăng 6,5-7%, và bình quân 10 năm tới có thể đạt 7%, nếu Việt Nam làm tốt các đột phá đã xác định cho giai đoạn tới.
Thứ 2 là pháp lý. Những luật sửa đổi bổ sung như luật doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Luật chứng khoản bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp.
Thứ 3 là dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra một cơ hội mới. Ông Lực chia sẻ, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi Nhật Bản thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam. Đây là chuyện chưa từng có trước đây với nhiều doanh nghiệp thuộc top đầu ở Nhật Bản.
Thứ 4 là giải ngân đầu tư công nhanh. “Khi kinh tế suy thoái, đầu tư công là kênh đầu tư rất tốt, mức độ lan toả nhanh hơn. Giải nhân công nhanh đóng góp chung cho sư tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%”, ông Lực nói.
Thứ 5 là chuyển đổi số. Theo ông Lực, với kinh doanh bất động sản, chuyển đổi sốt vô cùng tốt và nhanh. Công nghệ tạo ra một hệ sinh thái mới với cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.
Xung lực cuối cùng là lãi suất. “Đây là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư”, ông nói.
Tuy vậy, thị trường vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính. “Dù nhà đầu tư Việt Nam đã quen với những vấn đề trên nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi ở thời điểm này, thị trường như bước sang một trang mới”, ông Lực tổng kết.
Nguồn: vnexpress