Theo công ty bất động sản toàn cầu Colliers, Seoul, Tokyo và Sydney là ba thành phố có tổng mức đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp cao nhất tại châu Á trong năm 2020.

Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch bất động sản công nghiệp và logisitcs tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đạt 34,5 tỷ USD trong năm 2020. Con số này cao gấp 2,4 lần mức 14,5 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2011, cho thấy mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 10% trong thập kỷ qua.


Sự xuất hiện của các trung tâm sản xuất mới sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong các giao dịch bất động sản công nghiệp, trong khi việc mở rộng thị trường chuỗi cung ứng lạnh cũng giúp số lượng các giao dịch bất động sản logisitcs tăng lên.

Australia, Nhật Bản, Hong Kong và Singapore thường được coi là những thị trường lớn trong các lĩnh vực này. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, một số thị trường vẫn giữ vững tốc độ phát triển trong năm vừa qua. Thậm chí, khối lượng giao dịch bất động sản công nghiệp và logisitcs tại Australia đã tăng lên 18% trong năm 2020.

Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, khối lượng giao dịch ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 18% – 19% trong vòng một thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, cả hai đã ghi nhận mức tăng trưởng trái ngược nhau, lần lượt là 58% đối với Trung Quốc và 12% tại Hàn Quốc. Các chuyên gia của Colliers tin rằng cả tỷ lệ này sẽ còn thay đổi nhiều trong năm 2021.

Một số quốc gia khác thuộc khu vực APAC cũng nằm trong nhóm các nước phát triển về phân khúc bất động sản công nghiệp và logistcs bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và New Zealand. Khối lượng giao dịch ở những thị trường này vẫn còn nhỏ, ở mức 1,7 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, những thị trường này có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong tương lai.

Xét trên yếu tố thành phố, Greater Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố lân cận) ở Hàn Quốc dẫn đầu các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics tại APAC trong năm năm 2020. Khu vực này đạt mức tăng trưởng 52% về khối lượng giao dịch, tương đương 4,66 tỷ USD.

Xếp thứ hai là thành phố Tokyo của Nhật Bản. Mặc dù vậy, khối lượng giao dịch tại đây đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4,25 tỷ USD.

Sydney và Melbourne xếp vị trí thứ ba và thứ tư trong số các thành phố APAC, với mức tăng trưởng về khối lượng giao dịch lần lượt là 16% và 3%.

Nguồn: cafeland.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *