UBND TP.HCM có văn bản giao nhiệm vụ cho Sở GTVT TP.HCM, Ban Giao thông và các sở ngành, quận huyện liên quan gấp rút triển khai để đảm bảo tiến độ dự án vành đai 3 TP.HCM.

Sở GTVT TP.HCM cho biết vành đai 3 TP.HCM là dự án quan trọng quốc gia với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi triển khai thực hiện hoàn thành trong thời gian rất ngắn.

Vành đai 3 – dự án quan trọng quốc gia

Do đó, theo Sở này phải có phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành dự án tương ứng để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

TP.HCM giao nhiệm vụ để gấp rút xây dựng đường vành đai 3  ảnh 1
Sơ đồ toàn tuyến vành đai 3 TP.HCM. Đồ hoạ: HỒ TRANG.

Quá trình triển khai dự án này sẽ phát sinh các vấn đề cần được nhận diện, giải quyết và tháo gỡ kịp thời để có thể đáp ứng tiến độ dự án. Đồng thời, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.

Sở GTVT TP.HCM đã chủ động phối hợp Sở GTVT các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, các Sở ngành của TP và Ban Quản lý dự đầu tư xây dựng công trình giao thông TP (Ban Giao thông) để nghiên cứu đề xuất phương thức chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện dự án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về triển khai thực hiện dự án vành đai 3 TP.HCM, giao cho Ban Giao thông thực hiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về dự án đường vành đai 3.

Do Nghị quyết triển khai dự án liên quan đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An và các Bộ, ngành liên quan nên cần được UBND TP.HCM xem xét, lấy ý kiến các cơ quan này trước khi trình Chính phủ.

Cạnh đó là kế hoạch và Quy chế phối hợp triển khai thực hiện dự án Sở GTVT đã phối hợp với Ban Giao thông, Sở GTVT các tỉnh. Trong đó, xác định các công việc sẽ thực hiện ngay sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, với nội dung công việc, mốc thời gian cụ thể.

Đề xuất nhiều mô hình chỉ đạo dự án vành đai 3

Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở đã đề xuất mô hình chỉ đạo dự án vành đai 3. Trong đó có Tổ công tác dự án Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chức năng của Tổ công tác Chính phủ là chỉ đạo, điều phối chung các đơn vị liên quan của các địa phương trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án.

TP.HCM giao nhiệm vụ để gấp rút xây dựng đường vành đai 3  ảnh 2
Sơ đồ tổ chức chỉ đạo của dự án vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: ĐT.


Đồng thời, đơn vị này chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan giữa các địa phương và Bộ ngành Trung ương trong quá trình thực hiện đến khi hoàn thành Dự án.
Tổ công tác Chính phủ họp (khi cần thiết) theo nội dung yêu cầu công việc cần phối hợp giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với Bộ ngành Trung ương theo đề xuất của Ban Chỉ đạo dự án TP.HCM (với vai trò đầu mối) hoặc khi có chỉ đạo của Tổ trưởng.

Thành lập Ban Chỉ đạo dự án của TP về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3. Ban này sẽ chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện các dự án thành phần của TP.

Đồng thời Ban là cơ quan đầu mối, trao đổi, phối hợp với Tổ Công tác Chính phủ giải quyết các vướng mắc chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh như các vấn đề kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường, ..

Thành viên Ban Chỉ đạo – Trưởng ban là Thường trực Thành ủy; thành viên gồm đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban dân vận Thành ủy, Thường trực HĐND TP, Giám đốc Công an TP, Giám đốc Sở GTVT, Bí thư thành ủy Thủ Đức, Bí thư huyện ủy Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi.

TP.HCM cũng thành lập Ban Chỉ huy dự án của TP về dự án vành đai 3 là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo. Ban sẽ điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ban Chỉ huy chịu sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và trực tiếp chỉ đạo các Sở ngành, UBND TP Thủ Đức, các quận huyện liên quan và Ban Quản lý dự án thành phần của TP.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất một số nội dung. Trong đó, có các cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo có những sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả cho dự án; Cơ chế giải quyết nhanh thủ tục hành chính các hồ sơ liên quan đến dự án; Bố trí cán bộ đủ năng lực, chuyên trách theo dõi xuyên suốt trong quá trình thực hiện để giải quyết hồ sơ..

Kiến nghị thành lập Hội đồng cố vấn dự án, với các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, am hiểu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, tổ chức thi công, đấu thầu,…

Hội đồng cố vấn sẽ tư vấn cho Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy dự án các nội dung liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, nhận diện các vướng mắc có thể phát sinh để kịp thời tham mưu chỉ đạo, điều hành đảm bảo tiến độ, chất lượng của toàn dự án.

Sở GTVT cũng đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành dự án. Từ đó, nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, sẽ áp dụng phần mềm quản lý thông tin công trình (phần mềm BIM) và phần mềm ứng dụng quản lý hồ sơ dự án (theo dõi quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nhắc việc, cảnh báo các hồ sơ chậm trễ,….

Từ đó, giúp Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy theo dõi, nắm bắt tiến độ, khối lượng thực hiện, chỉ đạo giải quyết các công việc vướng mắc, đáp ứng tiến độ dự án.

Đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ

Trước những kiến nghị trên, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất mô hình chỉ đạo thực hiện dự án theo đề nghị của Sở GTVT, đồng thời giao Sở GTVT khẩn trương thực hiện.

UBND TP giao Sở GTVT phối hợp Sở TN&MT, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ban Giao thông và các đơn vị liên quan lập Kế hoạch chi tiết Hội nghị triển khai vành đai 3. Lưu ý thời gian tổ chức Hội nghị diễn ra trước kỳ họp HĐND TP.HCM giữa năm 2022.

TP.HCM giao nhiệm vụ để gấp rút xây dựng đường vành đai 3  ảnh 3
Các Sở ngành phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo tiến độ cho dự án vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: ĐT.

Các đơn vị trên tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM trước ngày 1-7.

Sở GTVT TP.HCM chủ trì, phối hợp các Sở ngành, đơn vị liên quan dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về chỉ đạo triển khai thực hiện dự án; tham mưu, đề xuất Ban cán sự đảng UBND TP.HCM báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 5-7.

Sở GTVT TP.HCM phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM kiện toàn nhân sự, bổ sung một số nhiệm vụ của Tổ công tác dự án; hoàn thành trước ngày 10-7.

UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Tư pháp, Ban Giao thông và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy, Tổ giúp việc của dự án; hoàn thành trước ngày 1-7.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục liên quan đến bố trí vốn cho dự án; tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Giao Sở TN&MT khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án; hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và các huyện thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường GPMB (điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, lập, thẩm định, phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án,…)

UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và các huyện rà soát các đồ án quy hoạch có liên quan đến dự án để thực hiện điều chỉnh (nếu có); tham mưu, đề xuất UBND TP các thủ tục về điều chỉnh, quản lý quy hoạch liên quan đến dự án, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và tiến độ thực hiện.

Giao UBND TP Thủ Đức và các huyện khẩn trương triển khai các công tác phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đảm bảo bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.

Đồng thời, rà soát các đồ án quy hoạch có liên quan trên địa bàn đề xuất điều chỉnh (nếu có); kiện toàn Ban bồi thường GPMB đáp ứng yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án thành phần theo kế hoạch, tiến độ đề ra.

Đối với Ban Giao thông, UBND TP.HCM yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các dự án thành phần trên địa bàn TP. Bên cạnh đó là liệt kê các công việc có liên quan thực hiện cả dự án như vấn đề mặt bằng, vật liệu, điều chỉnh quy hoạch,…

Đồng thời rà soát, đánh giá năng lực để đề xuất phương án kiện toàn nhân sự, bộ máy hiện hữu đáp ứng tiến độ và chất lượng công trình để báo cáo UBND TP.HCM trước ngày 30-6.

Nguồn: plo.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *