Với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BR-VT đã đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đến tìm hiểu triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tập đoàn lớn mong muốn đầu tư
Đầu tháng 5/2022, các nhà đầu tư gồm Tập đoàn khí Quốc gia Hàn Quốc Kogas, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PTT Thái Lan và Công ty CUIYC Singapore đã khảo sát địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Jeong Soo Nam, cố vấn cao cấp Tập đoàn khí Quốc gia Hàn Quốc Kogas cho biết, tập đoàn đang tìm cơ hội đầu tư vào tỉnh BR-VT trong các lĩnh vực như năng lượng, thực phẩm, nông sản, kho lạnh và quản lý số liệu.
“Chúng tôi dự kiến đầu tư tại BR-VT với quỹ tài chính khoảng 2 tỷ USD. Các hạng mục đầu tư như: xây dựng hạ tầng kho lạnh bảo quản dược phẩm, nông thủy sản; khu logistics đóng gói; khu chế biến chuyên sâu nông thủy sản… bằng công nghệ LNG phát điện, cấp lạnh và công nghệ IoT, blockchain truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chế biến thủy sản nổi trên biển”, ông Jeong Soo Nam thông tin.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 9 dự án đầu tư được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 155 triệu USD. Trong đó, 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 98 triệu USD, chiếm tỷ lệ 63% tổng số vốn đầu tư. Lũy kế đến tháng 5/2022, toàn tỉnh có 425 dự án FDI.
Trước đó, ngày 4/4, Tập đoàn Adani (Ấn Độ) cũng đến thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và cảng biển tại BR-VT. Ông Capt Sandeep Mehta, Chủ tịch Tập đoàn Adani cho biết, Adani là tập đoàn uy tín với năng lực hàng đầu tại Ấn Độ về năng lượng, cảng biển, logistics, hạ tầng và bất động sản. Tập đoàn hiện đang đầu tư và kiểm soát cảng Mundra lớn nhất Ấn Độ tại bang Gujarat với công suất hơn 200 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Adani đã đầu tư 2 dự án năng lượng tái tạo, gồm: dự án điện gió với công suất 27,3 MW và dự án điện mặt trời công suất 50MW tại tỉnh Ninh Thuận. Các dự án này được chuyên gia trong nước đánh giá rất chuyên nghiệp và bài bản. Riêng đối với BR-VT, tập đoàn mong muốn có cơ hội đầu tư trong lĩnh vực cảng biển, logistics, năng lượng, KCN với tổng vốn đầu tư cho mỗi dự án có thể lên tới 2 tỷ USD.
Ngoài 2 tập đoàn trên, từ đầu năm đến nay đã có hơn 10 nhà đầu tư FDI đến khảo sát, làm việc và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Hầu hết các dự án đều có mức đầu tư lớn từ 1-2 tỷ USD.
Sẵn sàng đón sóng FDI
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, BR-VT xếp thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với tổng số vốn đăng ký gần 33 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng.
Đặc biệt, tháng vào tháng 9/2021, trong chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tập đoàn Quantum (Mỹ) mong muốn được đầu tư 20-30 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, BR-VT là địa bàn trọng điểm mà tập đoàn mong muốn đầu tư nhiều dự án như: Nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD); các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn tại cảng Long Sơn… Theo các chuyên gia, dự báo dòng vốn FDI vào BR-VT sẽ khởi sắc. Những dự án lớn này có thể đưa tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh vươn lên thứ 2 cả nước.
Để đón vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng các KCN. Nhiều KCN đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế khó tính.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư FDI như: Rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách và các biện pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ; cải thiện thủ tục hành chính. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, từ đó, thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng, tạo sự lan tỏa đến các DN trong và ngoài tỉnh.
Nguồn: baobariavungtau.com.vn.