Dự báo về diễn biến thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2022, chuyên gia cho rằng, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn. Đặc biệt là đất nền vùng ven các thành phố lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh. Thậm chí, ngay thời điểm hiện tại, giá đất nền vùng ven TP. Hà Nội đang tăng.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường bất động sản. Một trong các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường bất động sản lớn nhất là vốn thì nay sẽ khác. Với gói hỗ trợ lãi suất 2% của các Ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp khi vay ngân hàng để phát triển dự án, dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ hay 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp dẫn tới lo ngại là lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua nhà ở xã hội.
Điều này có nghĩa là muốn giải ngân 15.000 tỷ thì phải có nguồn cung nhà ở xã hội cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. Như vậy, chúng tôi lo rằng, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ, phải tính tới nguồn cung?
Ngoài ra, còn gói hỗ trợ gián tiếp 114.000 tỷ qua đầu tư kết cấu hạ tầng. Đầu tư kết cấu hạ tầng tác động đầu tiên tới kinh tế, sau đó là bất động sản.
“Khi cơ sở hạ tầng giao thông đầy đủ bất động sản sẽ phát triển. Không ngẫu nhiên các tỉnh sốt đất, các dự án bất động sản phát triển vì được thúc đẩy hạ tầng giao thông. Và cần hiểu rằng thị trường bất động sản không chỉ là nhà ở mà còn là bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng sẽ phát triển”, ông Khởi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, việc hàng loạt địa phương vào cuộc để ngăn chặn tình trạng sốt đất trên thị trường là tín hiệu tích cực giúp bình ổn giá đất, hướng thị trường phát triển lành mạnh. Ở thời điểm hiện tại giá đất nền không còn tăng nóng như 3 tháng đầu năm.
“Trong quý đầu năm, thị trường đất nền vẫn khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với thời kỳ năm 2019. Nhiều địa phương gia tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán đất như Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2022, mức độ quan tâm đến đất nền trên cả nước đã giảm mạnh gần 20% so với tháng liền trước”, ông Đính cho biết.
Tuy nhiên, dự báo về diễn biến giá đất nền trong những tháng cuối năm 2022, ông Đính cho rằng, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn. Đặc biệt là đất nền vùng ven các thành phố lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh. Thậm chí, ngay thời điểm hiện tại, giá đất nền vùng ven TP. Hà Nội đang tăng.
Ông Đính cho biết, nguyên nhân xuất hiện các cơn sốt đất, thổi giá, một phần là do chủ đầu tư đang kỳ vọng lợi nhuận quá cao nên trực tiếp đẩy giá bán. Mặc khác, bất động sản đang được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Chưa kể, đầu tư công trong năm 2022 được triển khai dồn dập, nhiều dự án mới được hình thành, các dự án đang dang dở được đẩy nhanh tiến độ đã tạo tín hiệu khởi sắc cho thị trường song cũng kéo giá bất động sản lân cận “ăn theo”.
Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, để đảm bảo giá đất nền trong thời gian tới được diễn biến ổn định, đúng với nhu cầu thực, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quyết liệt kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, các dự án đầu tư, giao dịch đất nền… để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Ông Đính cho rằng, cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trái quy định của pháp luật để tránh dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo. Chính quyền địa phương cũng cần quản lý các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam cho biết: “Có thể thấy, nguồn cung trên thị trường trong thời gian qua rất hạn chế vì nhiều lý do khác nhau. Điều này cũng dẫn đến giá các sản phẩm trên thị trường bị đẩy lên cao, nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều người dân”.
Ông Khương cho biết, hiện nay, có 2 nhóm khách hàng chính trên thị trường. Một là khách hàng mua để ở và thứ hai là khách hàng mua để đầu tư thay vì họ gửi tiền vào ngân hàng, chứng khoán,…
Do đó, việc đầu tư vào thị trường nhà ở, đặc biệt là căn hộ, là rất cao. Tình hình này không chỉ xảy ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mà còn ở các tỉnh lân cận. Bởi vậy, trong thời gian sắp tới, nguồn cung trên thị trường sẽ bị hạn chế. Theo Báo cáo thị trường Quý I/2022 của Savills, giá bất động sản ở các phân khúc có xu hướng gia tăng.
Vị chuyên gia của Savills nhận định, do nguồn cung trên thị trường hạn chế, các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn và nhu cầu nhà ở lớn, dự báo thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ đối diện với khó khăn, đặc biệt là những người mua với nhu cầu ở thực.
“Từ bây giờ cho đến cuối năm, thị trường sẽ không có gì thay đổi: nguồn cung thiếu, giá bán duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm. Thứ nhất là bởi vì quỹ đất để phát triển dự án mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, các dự án bị ách tắc do pháp lý. Lý do thứ ba là nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao.
Các vấn đề này dẫn đến tính thanh khoản thấp vì khả năng chi trả của người dân bị hạn chế. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là so với năm 2012 và 2013, giao dịch vẫn nhiều hơn; đối với tháng 6, 7 hằng năm, thanh khoản trong thị trường không cao”, ông Khương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Khương, việc nguồn cung hạn chế sẽ tạo điều kiện cho các đô thị xung quanh Hà Nội và TP. HCM phát triển. Bởi đây là những khu vực có quỹ đất dồi dào, giao dịch thuận tiện hơn và giá mềm dẻo hơn, từ đó cải thiện tính thanh khoản.
Nguồn: cafef.vn.