Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ lần thứ VI thống nhất, giai đoạn từ nay đến 2025, thị xã Phú Mỹ sẽ tập trung thực hiện công tác quy hoạch để định hướng phát triển đô thị bền vững gắn với lợi thế về công nghiệp, cảng biển. Đây cũng là 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh được thông qua trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hơn 16,3 tỷ USD rót vào 9 khu công nghiệp ở Phú Mỹ

Theo thông tin từ Đại hội Đảng thị xã Phú Mỹ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, trên địa bàn thị xã có 35 cảng, với tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, trong đó 21 cảng đã đi vào hoạt động. Phú Mỹ hiện có 9 khu công nghiệp tập trung với 261 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 16,3 tỉ USD. Con số này tương đương gần 50% tổng vốn FDI tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Tổng vốn đầu tư đăng ký các dự án còn hiệu lực tại Bà Rịa – Vũng Tàu lũy kế đến ngày 20/12/2020 hơn 32,7 tỷ USD).

Các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động như Cụm KCN Châu Đức, KCN Phú Mỹ, KCN Mỹ Xuân, KCN Cái Mép, KCN Đông Xuân, KCN Cửa Lò…Hằng năm thu hút lượng lớn lượt lao động vào khu vực sinh sống và làm việc. Theo báo cáo của văn phòng UBND tỉnh, khu vực này hiện có hơn 80 nghìn lao động, tăng 20% so với năm 2017. Trong đó, lao động đến từ các địa phương khác chiếm đến 90%. Như vậy, đây là nguồn cầu rất lớn cho thị trường BĐS trong tương lai, nhất là những dự án liền kề các cụm khu công nghiệp.

Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ lần thứ VI thống nhất, giai đoạn từ nay đến 2025, thị xã sẽ tập trung thực hiện công tác quy hoạch để định hướng phát triển đô thị Phú Mỹ bền vững gắn với lợi thế về công nghiệp, cảng biển. Đây cũng là 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh được thông qua trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Công nghiệp, cảng biển đang là lực đẩy cho kinh tế – xã hội, trong đó có thị trường BĐS Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển.

Cụ thể, các trụ cột kinh tế theo mô hình phát triển kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định gồm: Công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Với nhiệm vụ trọng tâm được đại hội đưa ra là tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh.

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, định hướng 5 năm tới, tỉnh này tiếp tục đẩy mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch; tăng năng lực cạnh tranh, sẵn sàng thu hút đầu tư của các khu công nghiệp và của hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải (nằm trên địa bàn thị xã Phú Mỹ) với các nước trong khu vực.

“Vì vậy, Đảng bộ thị xã Phú Mỹ cần chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cầu cảng, sử dụng công nghệ hiện đại, tận dụng tối đa lợi thế so sánh về công nghiệp, cảng biển để thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững”, ông Thọ nhấn mạnh.

Cùng với đó là việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, theo nhận định của các chuyên gia Phú Mỹ càng trở thành điểm nóng thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực cảng biển. Cảng Cái Mép đã tiếp nhận tàu với trọng tải lên đến 214.000 tấn, hồi tháng 10/2020. Sự kiện này đưa Cảng Cái Mép vào top 20 cảng biển lớn nhất thế giới, vượt qua cảng Hải Phòng với khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải 132.000 tấn.

Hiệp định EVFTA cũng mở ra cơ hội đưa Phú Mỹ thành thương cảng đẳng cấp thế giới, khi các nhà đầu tư Bỉ và Hà Lan đang “chạy nước rút” để xin đầu tư gần 1 tỉ USD vào dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ. Mục tiêu của dự án hướng tới phát triển Cái Mép Hạ trở thành trung tâm hàng đầu về dịch vụ vận tải, container và xuất khẩu nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long sang Liên minh châu Âu. Tầm nhìn, kinh nghiệm phát triển và nguồn tài chính từ các nhà đầu tư châu Âu là những thế mạnh đảm bảo cho dự án sớm đi vào hiện thực, khi được phê duyệt.

Nếu phía Bắc có Hải Phòng, Vân Đồn thì phía Nam có “thành phố cảng” Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu) đang được kì vọng sẽ làm thay đổi diện mạo kinh tế khu vực kéo theo sự phát triển của thị trường BĐS nơi đây trong tương lai.

Lực đẩy cho thị trường BĐS

Rõ ràng, BĐS luôn gắn liền và đi song hành với các hoạt động kinh tế xã hội. Ở những thị trường đang có những lợi thế nổi bật về cảng biển hay công nghiệp ngay lập tức tạo ra làn sóng đầu tư BĐS.

Theo các chuyên gia, đa số doanh nghiệp BĐS khi đầu tư dự án đều có xu hướng chọn đầu tư ở những địa điểm có khả năng xây dựng kết cấu hạ tầng thuận lợi, có thể hình thành cụm công nghiệp, nhất là vấn đề logistics, vận chuyển phù hợp cả đầu vào và ra của sản phẩm. Đặc biệt, những vùng đất mới chưa được khai thác, có nhiều yếu tố tự nhiên, chưa bị tác động bởi con người, có nhiều tiềm năng, giao thông thuận lợi, quỹ đất còn khá rộng là những nơi đang được giới đầu tư trong nước và FDI đặc biệt chú ý.

Theo các chuyên gia trong ngành, đây là thời điểm “vàng” của BĐS công nghiệp khi hàng loạt yếu tố thuận lợi đang cùng lúc hỗ trợ cho thị trường này phát triển mạnh mẽ. Trong đó, các dự án BĐS liền kề cụm khu công nghiệp đang có lợi thế rất lớn, đón đầu làn sóng nhà ở của đối tượng công nhân, chuyên gia nước ngoài, kỹ sư… Nhu cầu an cư cũng như đầu tư vì thế có dấu hiệu tăng rõ nét.

Ghi nhận cho thấy, sự hiện diện của các dự án, khu công nghiệp lớn trong khu vực đã và đang đẩy nhu cầu về nhà ở và nhà cho thuê tại Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) tăng lên thời gian gần đây. Ngay sau thời điểm dịch được kiểm soát, hoạt động mua bán, đầu tư tại thị trường này đã rục rịch trở lại.

Bên cạnh nhân tố công nghiệp và cảng biển phát triển thì  Phú Mỹ cũng đang được nhắc đến nhiều với loạt “điểm sáng” về hạ tầng giao thông kết nối. Đây là khu vực có lợi thế khi kết nối trực tiếp sân bay quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép. Chưa kể, loạt tuyến đường đã được mở rộng để kết nối thuận tiện với các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam như: Tuyến quốc lộ 51 đi qua 15 khu công nghiệp trong tỉnh; quốc lộ 56 rút ngắn thời gian vận chuyển từ các khu công nghiệp và hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải ra tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, đường vành đai 4, vành đai 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành kết nối các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, đường cao tốc xuyên Á đã và đang hoàn thiện là yếu tố giúp kết nối giao thương cho địa phương này. Theo các chuyên gia, lợi thế hạ tầng đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS công nghiệp nói chung, BĐS nhà ở nói riêng tại khu vực này.

Chính những lợi thế về BĐS công nghiệp, hạ tầng giao thông đã và đang kéo theo sự nhộn nhịp của BĐS nhà ở liền kề các khu công nghiệp phát triển theo. Hiện nay, thị trường BĐS Phú Mỹ đã rục rịch trở lại. So với các khu vực vệ tinh của Tp.HCM thì BĐS Phú Mỹ được các nhà đầu tư quan tâm bởi giá còn mềm, tiềm năng tăng giá còn lớn.

Theo ghi nhận, nếu các khu vực giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai giá trung bình các BĐS hầu hết đều ở ngưỡng 15 – 30 triệu đồng/m2 thì tại Phú Mỹ giá BĐS vẫn còn ở mức giá 7-9 triệu đồng/m2, là yếu tố thu hú dòng tiền của NĐT, kể cả NĐT mới tham gia thị trường với dòng vốn khiêm tốn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, sau thời điểm dịch Covid-19 dòng tiền của NĐT có xu hướng an toàn hơn, họ quan tâm nhiều đến các dòng sản phẩm đã có sổ, pháp lý rõ ràng, các dự án khoảng cách hợp lý đến các tiện ích như sân bay, cảng biển…nhằm đón sóng nhu cầu ở thực về, hình thành nên các cụm khu dân cư trong tương lai.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, thị trường BĐS ven Tp.HCM sẽ dẫn dắt xu hướng đầu tư. Hiên nay, khi Tp.HCM sụt giảm nguồn cung thì các thị trường phụ cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu …là những thị trường xuất hiện nhiều dự án mới, bổ trợ, thay thế nguồn cung Tp.HCM, thu hút sự quan tâm của NĐT. Đặc biệt, ở các thị trường có lợi thế về công nghiệp, kết nối thuận lợi với sân bay, cảng biển, BĐS sẽ được hưởng lợi rõ nét.

Nguồn: Cafef

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *