Theo chuyên gia Savills, việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại không chỉ giúp phục hồi ngành du lịch mà còn góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế, tạo ra nhiều triển vọng cho bất động sản công nghiệp.

Ngày 15/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết cho phép công dân của 13 quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… đến Việt Nam trong 15 ngày mà không cần thị thực. Ở góc độ thị trường bất động sản công nghiệp, chuyên gia Savills John Campbell, cho rằng đây là một tin tuyệt vời đối với sự phát triển của ngành.

Thực tế, các ngành sản xuất của Việt Nam đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo IHS Markit, chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) đo lường “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất Việt Nam đã đạt 54,3 vào tháng hai, trong khi tháng trước đó ở mức 53,7.

“Tháng 2/2022 là một tháng tuyệt vời vì đây là đã ghi nhận hoạt động của các nhà máy tăng tháng thứ năm liên tiếp. Đây cũng là tháng có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 4/2021.

Sản lượng và các đơn đặt hàng mới có hiệu suất tốt nhất trong mười tháng qua. Các đơn đặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng đáng kể. Mức độ việc làm trong lĩnh vực sản xuất cũng tăng tháng thứ ba liên tiếp”, ông John Campbell cho biết.

Sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng hai đã tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi ở tháng một, con số này chỉ ở mức 2,8%. Sản lượng sản xuất cũng cải thiện từ 2,8% trong tháng một lên 10% trong tháng hai.

Theo ông John, việc Việt Nam mở cửa trở lại có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế và đem lại triển vọng đối với lĩnh vực công nghiệp.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và khả năng phục hồi, thích ứng của các doanh nghiệp địa phương hứa hẹn đất nước không chỉ sẽ phục hồi mà còn trở lại mạnh mẽ.

Ngay từ đầu năm 2022, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào các nhà máy, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 2, Savills Việt Nam cũng thực hiện thành công thương vụ thuê nhà xưởng giữa framas và KTG Industrial. framas, nhà sản xuất máy ép phun hàng đầu của Đức, đã thuê một cơ sở xây sẵn rộng 20.000 m2 tại KTG Industrial Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai. Hợp đồng thuê có thời hạn 10 năm được ký vào cuối đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất của Việt Nam thể hiện sức mạnh không ngừng của nền kinh tế Việt Nam và lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Về phía các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp, thị trường trong 3 tháng qua đã . Ví dụ, cuối tháng 12/2021, Gaw NP Industrial đã khởi công dự án nhà máy xây sẵn (RBF) rộng 16 ha tại Trung tâm Công nghiệp GNP Yên Bình 2. Bên cạnh đó, cuối tháng 2, KCN Việt Nam cũng đã tổ chức lễ khởi công Dự án nhà xưởng và nhà kho tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, tỉnh Long An với quy mô 13,4 ha.

Bình luận về những thương vụ đã được thực hiện trong giai đoạn đầu năm, ông John nói: “Thị trường đã hoạt động tích cực kể từ đầu năm nay. Tiêu biểu, LOGOS Viet Nam Logistics Venture thực hiện thương vụ M&A thứ 4 tại Việt Nam. Ngày 17/2, LOGOS và Manulife Investment Management đã thiết lập mối quan hệ đối tác liên doanh để mua lại một nhà xưởng logistics hiện đại xây theo yêu cầu (built-to-suit) có tổng diện tích 116.000 m2 với giá trị đầu tư lên đến 80 triệu USD.

CapitaLand Development cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 1 tỷ USD với tỉnh Bắc Giang để phát triển khu công nghiệp, khu hậu cần và khu đô thị đầu tiên của CLD tại Việt Nam. Cùng với đó, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW đã mua lại Khu công nghiệp DEEP C với quy mô khoảng 74.000 m2 tại Khu công nghiệp Bắc Tiên Phong, tỉnh Quảng Ninh”.

Ông John Campbell cho rằng bên cạnh kế hoạch mở cửa trở lại, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng phục hồi và thích ứng tuyệt đối của các doanh nghiệp trong nước cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn. Những yếu tố này đang vẽ nên một bức tranh tươi sáng về việc nền kinh tế Việt Nam không chỉ sẽ phục hồi mà còn có thể trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nói về tình hình thị trường bất động sản công nghiệp trước bối cảnh Việt Nam nối lại đường bay quốc tế, ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội cho hay, so với các nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đang ở một vị thế khá thuận lợi. Thứ nhất, giá bất động sản vẫn tương đối phải chăng nếu đặt lên bàn cân với các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, hay Ấn Độ. Mặc dù giá đang trên đà tăng, nhận thấy nhiều dự án mới đang được bổ sung vào nguồn cung tương lai. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới chi phí đất đai. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, vấn đề nằm tại lực lượng lao động, bao gồm chất lượng tay nghề, môi trường làm việc và phúc lợi xã hội.

Với nhiều cơ hội việc làm và phát triển, giá nhân công tại Việt Nam ở mức tương đối trong khu vực. Hơn thế nữa, vì khung pháp lý tương đối đơn giản, các doanh nghiệp cũng cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào và làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, việc các doanh nghiệp có danh tiếng lựa chọn Việt Nam là điểm đến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đồng thời, làm tăng thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Ví dụ như Lego hiện đang chỉ có 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu. Do đó việc doanh nghiệp này lựa chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà xưởng mới là một thành công rực rỡ trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.

Bên cạnh những tập đoàn lớn, Việt Nam cũng thu hút vốn FDI từ các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, hậu cần. Ngoài ra, số lượng các dự án công nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, với mục tiêu ưu tiên phát triển trung tâm dữ liệu. Bàn về địa lý, các yếu tố mang tính quyết định có thể kể đến: sản phẩm, nhân công, cơ sở hạ tầng, ví dụ như vị trí gần với các bến cảng, sân bay hay gần khu vực đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM.

Ông Matthew Powell cho rằng, có nhiều lý do tạo nên sự hấp dẫn của ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, đất công nghiệp ở nước ta có mức giá tương đối hợp lý, có nhiều nhà phát triển bất động sản uy tín cùng với chính sách pháp lý phù hợp. Đây là những yếu tố giúp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, có thể kể đến các yếu tố khác như dân cư, dân số lao động, chi phí nhân công, mạng lưới giao thông thuận tiện và khả năng tiếp cận các cảng và sân bay quốc tế, nhằm phục vụ việc xuất nhập khẩu thành phẩm và sản phẩm.

Nguồn: Cafebiz.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.