Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu thu hút vốn FDI đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ, trong đó ưu tiên những dự án công nghệ cao, công nghệ xanh, ít thâm dụng lao động và đem lại giá trị gia tăng cao. Nội lực là quyết định, song công tác đối ngoại sẽ giúp Bình Dương hội nhập, phát triển và thực hiện được mục tiêu của mình.

 Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Bình Dương chủ động xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược với đối tác Hàn Quốc

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu và cả nước suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bình Dương cũng chịu không ít tác động. Giữa muôn vàn khó khăn, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy Bình Dương là “đất lành” để phát triển lâu dài. Đây cũng là kết quả từ sự nỗ lực của tỉnh trong việc linh hoạt về xúc tiến đầu tư từ hình thức “tại chỗ” sang trực tuyến từ rất sớm. Nắm bắt cơ hội, kích cầu vốn đầu tư từ thị trường châu Âu đầy tiềm năng, thời gian qua, Bình Dương khai thác hiệu quả mối quan hệ với các đầu mối xúc tiến đầu tư, nhất là thị trường Đan Mạch, Úc, Hà Lan, Bỉ… được đặc biệt chú trọng.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ từ sự dẫn dắt của chính quyền tỉnh, các doanh nghiệp (DN) nhà nước đầu tàu của tỉnh đã thúc đẩy và hình thành nhiều liên doanh với đối tác các nước để phát triển. Liên doanh Khu công nghiệp (KCN) VSIP đã mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ra 11 tỉnh, thành trên cả nước; liên doanh với Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản về phát triển đô thị chất lượng cao, đô thị đáng sống; liên doanh với tập đoàn NTT của Nhật Bản về phát triển viễn thông, công nghệ thông tin; liên doanh với Quỹ đầu tư Wapus Pincus của Mỹ để xây dựng hạ tầng logistics và logistics cho thương mại điện tử… Những liên doanh này từng bước trở thành quả đấm thép trên nhiều lĩnh vực, giúp Bình Dương hội tụ nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời lan rộng và chia sẻ ra cả nước mô hình phát triển phù hợp với Việt Nam.

Xác định mạng lưới tiếp thị của các DN trở thành mạng lưới tiếp thị của tỉnh và cuối cùng, cách xúc tiến đầu tư có hiệu quả nhất chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đang thực hiện đầu tư ở Bình Dương. Họ chính là những người tuyên truyền thuyết phục nhất.

 Đến nay, dòng vốn FDI đã trở thành động lực giúp Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại, năng động. Lũy kế đến nay, Bình Dương có 4.053 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 39,55 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.Hồ Chí Minh), chiếm hơn 9,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,8 triệu đô la Mỹ.

Mới đây, Tập đoàn Pandora, thương hiệu trang sức Đan Mạch đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại KCN VSIP 3 với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu đô la Mỹ để xây dựng cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm và tạo ra việc làm cho hơn 6.000 người. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2023 và bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2024. Đây là cơ sở thứ 3 của Pandora trên thế giới, đồng thời là cơ sở sản xuất đầu tiên được xây dựng ngoài Thái Lan. Theo Ngài Mikkel Lyndrup, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, hiện nay có hơn 140 DN Đan Mạch đã đến đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch như Lego, Pandora… đã đầu tư vào Bình Dương.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ xuất phát từ quan điểm “Bình Dương luôn đồng hành cùng DN”, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các DN, trong những năm qua Bình Dương đã chủ động phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tổ chức nhiều buổi đối thoại, gặp gỡ các DN đầu tư. Các chương trình đối thoại đã tạo được ấn tượng tốt cho các DN, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, hợp tác và tin tưởng lẫn nhau, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, từ đó giúp cho các DN an tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và hợp tác đầu tư.

Tạo những “cú hích” trong hợp tác đầu tư

Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư trong tình hình mới, ngoài hình thức trực tuyến để gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư các nước, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Bình Dương đã tổ chức nhiều hội nghị để gặp gỡ trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia sự kiện hội thảo về xúc tiến đầu tư tại các nước… Cụ thể, vào cuối tháng 5-2022, đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh dẫn đầu đã tham gia sự kiện hội thảo về xúc tiến đầu tư tại Australia. Mới đây, đoàn công tác tỉnh Bình Dương do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi làm Trưởng đoàn cũng đã đến thăm và làm việc tại TP.Tokyo, Nhật Bản.

Trong bối cảnh thương mại quốc tế diễn biến khó lường, việc lãnh đạo tỉnh và các DN sang các nước mời gọi đầu tư thể hiện tính chủ động, tiên phong, tiếp tục xúc tiến đầu tư trong tình hình mới bằng nhiều hình thức. Ngay trong những tháng đầu năm 2022, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhưng bằng những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, Bình Dương vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, khẳng định những hoạt động kinh tế đối ngoại năng động và hiệu quả nêu trên đã góp phần thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Dương, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần đưa Bình Dương đi lên, trở thành một trong những tỉnh thành công nghiệp hàng đầu của cả nước. “Với những thành công khá toàn diện, phong phú và đa dạng trong hoạt động đối ngoại của tỉnh trong những năm vừa qua, trong thời gian tới Bình Dương tự tin tiếp tục phát huy nội lực, cải thiện môi trường kinh doanh và hợp tác đầu tư; tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị; tích cực chủ động hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác song phương và đa phương để Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.

Ngài YAMADA TAKIO – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam: Tỉnh Bình Dương l à một trong những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam. Hiện tại đã có hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Bình Dương, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,77 tỷ đô la Mỹ. Đ ây là sự phát triển đáng chú ý. Tôi cho rằng, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, đầu tư nước ngoài vào Bình Dương sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ngài JAYA RATNAM – Đại sứ Singapore tại Việt Nam: Chúng tôi rất tự hào về những thành tựu mà tỉnh Bình Dương đã đạt được cũng như về những thành công của KCN Việt Nam – Singapore, một minh chứng cho sự hợp tác thành công giữa hai nước Việt Nam và Singapore. Trong những năm qua, các cơ quan Chính phủ cũng như các đối tác Singapore đã có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá để giúp cộng đồng doanh nghiệp Singapore hiểu rõ hơn về những giá trị mà tỉnh Bình Dương có thể mang lại cho họ cũng như cho đất nước Việt Nam.

Ông KIM JIN WOO, Phó Chủ tịch KOCHAM Bình Dương: Đến nay, đã có khoảng 800 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Bình Dương. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 năm 2021, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền tỉnh, nhanh chóng ổn định và khôi phục sản xuất.

Nguồn: baobinhduong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *