Trong điều kiện huyện mới thành lập còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, nền kinh tế – xã hội huyện Bàu Bàng tăng trưởng tốt, đặc biệt là lĩnh vực phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư và tốc độ đô thị hóa, góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị của huyện Bàu Bàng.
Dấu ấn khu công nghiệp
Từ một vùng đất thuần nông nằm ở phía bắc của tỉnh, Bàu Bàng đã vươn lên một cách mạnh mẽ, trở thành địa phương có nền kinh tế công nghiệp phát triển. Dấu ấn nổi bật trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện những năm qua chính là chiến lược quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp, dựa trên nền tảng xây dựng và phát huy vai trò của các khu công nghiệp (KCN) tập trung.
Trong đó, dự án đầu tiên và quan trọng nhất là KCN Bàu Bàng, với tổng diện tích hơn 2.100 ha (mở rộng thêm gần 1.000 ha) được hình thành vào năm 2016. Các KCN Bàu Bàng, Cây Trường, Lai Hưng, Tân Bình được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động là điểm nhấn để phát triển. Đây chính là điều kiện thuận lợi, tạo điểm nhấn phát triển, mời gọi đầu tư, thúc đẩy ngành công nghiệp và kéo theo các ngành thương mại – dịch vụ cùng phát triển.
Hoạt động của các KCN đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của huyện với giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 21,47%. Trong năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 24.357 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 6.380 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 2.140 tỷ đồng.
Khai thác tốt tiềm năng
Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết kết quả đó là thành quả đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp làm nền tảng đột phá đưa công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh.
“Với mục tiêu xây dựng huyện Bàu Bàng sớm trở thành trung tâm công nghiệp – đô thị phía bắc, tỉnh đã quy hoạch KCN khoa học công nghệ trên địa bàn. Đây là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao. Cùng với đó, huyện đã quy hoạch, xây dựng các KCN có vị trí giao thông rất thuận lợi, tạo bước chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế”, ông Giàu cho biết thêm.
Trong giai đoạn 2021-2030, huyện tiếp tục phát triển KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng theo quy hoạch được duyệt; tập trung phát triển, định hướng tổ chức không gian khu trung tâm hành chính theo hướng tập trung với các công trình tạo điểm nhấn. Ngoài ra, khu trung tâm dịch vụ bố trí trên các trục giao thông quan trọng như ĐT749C, ĐT741B, Quốc lộ 13… phát triển đa dạng các loại hình thương mại – dịch vụ, tạo động lực phát triển đô thị.
Huyện tiếp tục tập trung đầu tư các khu nhà ở đã có quy hoạch chi tiết, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Mặt khác, huyện còn chú trọng phát triển các vùng nông nghiệp ven đô thị, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thiết kế bảo đảm phục vụ đô thị về giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, thông tin và môi trường; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại, phấn đấu xây dựng huyện Bàu Bàng ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030, Bàu Bàng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, là hạt nhân trong vùng đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Với việc đưa ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, tin tưởng rằng kinh tế – xã hội của huyện Bàu Bàng sẽ tiếp tục ở mức tăng trưởng cao, đời sống của người dân tiếp tục được nâng cao.