Theo quy định hiện hành khi làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, người dân phải nộp lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất. Song từ năm 2025, giá đất theo bảng giá mới có thể sẽ cao hơn giá đất của giai đoạn cũ.
Ngoài các loại phí trên, để được cấp “sổ đỏ”, người dân có thể phải nộp phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Thông thường tiền sử dụng đất là khoản người dân phải nộp nhiều nhất (trừ một số trường hợp được miễn theo quy định).
Về Bảng giá đất, Khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định, căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ.
Hiện nay các địa phương và Hà Nội đang áp dụng bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024. So với giá đất giai đoạn 2015-2019, giá đất hiện nay tăng từ 5 – 15% so nên các hộ gia đình, cá nhân phải nộp thêm tiền sử dụng đất khi được cấp Giấy chứng nhận. Đến giai đoạn 2025 – 2029 sẽ có Bảng giá đất mới và theo dự kiến giá đất sẽ tiếp tục tăng.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, hộ gia đình, cá nhân nếu đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận, thuộc diện phải nộp tiền sử dụng đất thì nên làm thủ tục để được cấp “sổ đỏ” trước năm 2025, tránh tình trạng phải nộp thêm tiền theo bảng giá đất mới.
Bên cạnh đó, khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP cũng nêu rõ, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Mặc dù vậy, thực tế tại một số địa phương thời gian xem xét cấp “sổ đỏ” tại nhiều địa phương thường bị kéo dài, có trường hợp lên tới nhiều năm. Do vậy, người dân nên làm “sổ đỏ” trước năm 2025 tránh trường hợp giá đất trong bảng giá đất được điều chỉnh tăng.
Cũng theo quy định hiện hành, khi quá thời hạn cấp “sổ đỏ” người dân có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. Về hình thức khiếu nại, người dân có thể khiếu nại bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp.
Còn với trường hợp khởi kiện tại TAND, đối tượng khởi kiện là quyết định hành chính, hành vi hành chính về chậm cấp, từ chối cấp dù có đủ điều kiện hoặc các hành vi tiêu cực khác khi làm “sổ đỏ”. Hộ gia đình, cá nhân nộp đơn khởi kiện tại TAND cấp huyện nơi có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Nguồn: Cafeland