Chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, nguồn cung, lượng giao dịch giảm song giá căn hộ vẫn tăng và bất động sản vẫn được coi là kênh đầu tư nên ưu tiên.
Giá căn hộ tăng bất chấp dịch
Sau hơn một năm tìm kiếm, đắn đo, mới đây anh Lê Quyết mới chốt để mua một căn hộ 65m2 tại một dự án mới ở Tây Mỗ (Hà Nội). Có trong tay hơn 2 tỷ, trước đó anh tự tin dễ dàng tìm căn hộ ưng ý. Song việc mua bán kéo dài hơn dự kiến bởi gián đoạn qua 4 đợt dịch, phần nhiều không phải vì Covid-19 mà do anh có tâm lý đợi giá nhà giảm.
“Tôi cứ nghĩ dịch bệnh, thị trường kém sôi động nên cứ đợi chờ giá xuống mới mua. Cuối cùng, lỡ mất căn ưng ý và giờ tôi thậm chí phải vay thêm vài trăm triệu mua căn cũng chưa thật sự hài lòng. Nếu lúc này không mua thì giá nhà vẫn lên, vừa không có nhà để ở và khéo còn kéo dài thêm khoản vay mượn”, anh Quyết nói.
Mai Hương (quận 2, TP HCM) đầu tư căn hộ góc khá đẹp tại một dự án phía Đông thành phố cuối 2019. Thời gian qua, chị khá bất ngờ khi nhận được nhiều cuộc gọi hỏi có bán lại căn hộ hay không, trong đó chính môi giới giao dịch với chị trước đó cũng ướm hỏi với mức giá tăng 10% so với hồi chị mua.
“Là căn hộ thứ hai tôi mua từ khoản tiền nhàn rỗi. Nếu giá còn tăng thêm tôi sẽ bán. Kỳ vọng lợi nhuận của tôi khoảng 15-20% so với khoản tiền đầu tư ban đầu. Còn không thì tôi giữ lại để cho thuê lâu dài”, chị Hương chia sẻ.
Anh Quyết, chị Hương là hai trong nhiều khách mua nhà chứng kiến bối cảnh bất động sản miễn nhiễm với dịch bệnh. Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian qua nhiều dự án được thị trường hấp thụ đạt 90%. Ví dụ tại TP HCM, các dự án có giá bán 40 triệu mỗi m2 chỉ trong 2-3 tháng tiêu thụ đến 95%.
Một trong những nguyên nhân đẩy căn hộ tăng giá là do khan hiếm nguồn cung, ít dự án mới được mở bán. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội, trong nửa đầu năm 2021, lượng căn hộ chào bán trên thị trường là 17.840 sản phẩm, bằng 85,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tương tự, tại TP HCM có 9.820 căn hộ chào bán trên thị trường trong nửa đầu năm 2021, chỉ đạt 55% so với cùng kỳ năm 2020. Việc khan nguồn cung có lý do từ hạn chế pháp lý của nhiều dự án.
Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản) cũng tác động lớn đến giá căn hộ.
Theo một số chủ đầu tư, lúc này họ đều sẵn sàng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 kéo dài do đã có kinh nghiệm từ các đợt bùng phát trước. Nên việc giảm giá là rất khó xảy ra nhất là khi mà nguồn cung trên thị trường đang khan hiếm như hiện nay. Thậm chí, ở phân khúc căn hộ cao cấp tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, còn xuất hiện những dự án có mức giá cao từ khoảng 100-700 triệu đồng/m2, thế nhưng tỷ lệ hấp thụ sản phẩm vẫn tăng mạnh.
Điều này cho thấy, thị trường bất động sản vẫn khá tích cực dù dịch bệnh tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực. “Thị trường bất động sản sẽ không gặp khủng hoảng. Những khó khăn của thị trường thường đến từ các yếu tố bên ngoài chứ không phải bên trong”, ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới Việt Nam nói.
Anh Huy Công, một nhà đầu tư bất động sản kỳ cựu tại Hà Nội cho hay, hiện vẫn có nhiều khách hàng có lượng tiền tích trữ lớn, không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, khi xuất hiện dự án bất động sản cao cấp phù hợp “lọt vào tầm ngắm”, họ hoàn toàn đủ khả năng tài chính để mua. Với cùng khoản tiền đầu tư, người mua hiện có xu hướng mua nhà ở trong khu đô thị sinh thái tích hợp, hơn là mua đất và tự xây.
Những ai có nhu cầu ở thực, đang có xu hướng dịch chuyển từ nhà ngõ xưa cũ sang khu đô thị hiện đại, đầy đủ tiện ích. Cũng chính từ nhu cầu làm việc ở nhà gia tăng trong đại dịch, đã bắt đầu hình thành xu hướng chú trọng đến không gian làm việc ở ngôi nhà tương lai. Nhà ở đô thị gắn với không gian sống rộng rãi, nhiều cây xanh, gần mặt nước, thuận lợi cho hoạt động tập luyện, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe… đang được người mua quan tâm ngày một nhiều.
Kênh đầu tư an toàn
Trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đại dịch, thì bất động sản vẫn được coi là nơi trú ẩn tài sản đảm bảo tính an toàn và khả năng sinh lời. Thời điểm hiện tại, so sánh giữa các kênh đầu tư cho thấy, chứng khoán và vàng thường ít ổn định, không dễ nắm bắt, nhất là với nhóm nhà đầu tư mới – kinh nghiệm non trẻ. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ở mức thấp, phổ biến dưới 5%/năm nên khó hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân. Trong khi, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Do đó, bất động sản hiện vẫn được xem là kênh đầu tư mà người dân ưu tiên hàng đầu.
Thanh Hưng, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, tời gian qua dù chứng khoán nổi sóng, song anh vẫn kiên định với mục tiêu đầu tư bất động sản. “Tôi quan niệm đầu tư phải dài hạn và nhà đầu tư cần chiến lược trong từng giai đoạn. Do đó, trong điều kiện có thể tôi vẫn giữ các sản phẩm hiện có. Thị trường lúc này không dành cho những ai có mục đích lướt sóng”, nhà đầu tư này nói.
Trong một khảo sát về các kênh đầu tư trên VnExpress hồi tháng 7 thu hút hơn 70.000 lượt bình chọn, trong đó bất động sản chiếm 32%. Mới đây Vinacapital đưa ra báo cáo trong đó nhận định người Việt ưu tiên kênh đầu tư bất động sản, trong khi vàng cũng mất dần sức hút hút khi chênh lệch giá trong nước cũng cao hơn thị trường thế giới 17%.
“Dù vậy dòng tiền đầu tư vẫn đổ vào các doanh nghiệp bất động sản thông qua thị trường chứng khoán. Thời gian qua nhiều mã cổ phiếu của công ty bất động sản đều được nhà đầu tư rót tiền bởi tiềm năng sinh lời dài hạn”, anh Hưng nói và nhận định, nhờ có lực tài chính, sau khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ là giai đoạn bung hàng ổ ạt của nhiều doanh nghiệp, thị trường sẽ sôi động trở lại.
Hiện tại, Việt Nam đang tích cực trong công tác tiêm chủng cộng đồng. Số lượng người được tiêm vaccine dự kiến sẽ tăng nhanh. Theo cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, hiện Việt Nam có hơn 16 triệu liều vaccine được tiêm. Chính phủ đang hướng đến mục tiêu 50% lao động tại các thành phố lớn sẽ tiếp cận được vaccine trong quý III này.
Theo giới đầu tư, nếu kế hoạch có thể diễn ra theo đúng lộ trình, thì nhu cầu giao dịch bất động sản kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh trong những tháng tới.
Theo vnexpress