Đó là nhận định của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam trong cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi về thị trường BĐS năm 2021.

Vị chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện nay chính là cơ hội cho nhà đầu tư (NĐT) cá nhân. Họ đang cân nhắc hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời những NĐT có năng lực tài chính tích lũy tốt ở dạng gửi ngân hàng hoặc vàng thì cân nhắc trong việc có nên gửi ngân hàng tiếp không khi lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, có nên để tiền vào vàng nhiều biến động không, và có thực tế NĐT vẫn xem BĐS là kênh đầu tư được ưu tiên.

“Đang có sự chuyển hóa dòng tiền của NĐT từ kênh vàng, gửi ngân hàng sang BĐS. NĐT cá nhân xem BĐS nhà ở là kênh để bảo toàn tài sản và tích lũy của họ”, TS Khương nhấn mạnh.

Chuyên gia Saviils nhận định, thị trường BĐS là thành phần quan trọng trong nền kinh tế. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra tốc độ tăng trưởng GDP sau năm 2021 là 6-7%. Tuy vậy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là một thử thách đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, BĐS vẫn là kênh mà NĐT cá nhân ưu tiên bỏ tiền vào. Càng trong bối cảnh khó khăn càng nhận thấy một điều là dòng tiền của NĐT đang chuyển hóa mạnh từ trạng thái từ vàng, gửi ngân hàng sang BĐS.

Đối với kênh BĐS, TS Khương cho rằng, NĐT có nhiều trạng thái khác nhau ở các phân khúc trên thị trường. Họ mua đất dự án, nhà phố, tài sản ngoài dự án…Thực tế, các NĐT cá nhân hiện nay không phải ai cũng muốn đầu tư ra ngoài Tp.HCM, họ vẫn muốn sở hữu BĐS tại Tp.HCM vì không muốn đi xa. Họ vẫn có xu hướng tìm kiếm đất nền sổ đỏ, hoặc nhà phố 5-10 tỉ đồng để cho thuê.

Có thể tiền thuê nhà chỉ bằng lãi suất gửi ngân hàng hàng năm nhưng họ kì vọng giá trị tăng trưởng trong tương lai. Chẳng hạn, NĐT mua căn nhà 5 tỉ, mỗi tháng cho thuê được 10-15 triệu đồng, tức một năm được khoảng 60-70 triệu đồng, nhưng NĐT kì vọng một năm sau căn nhà sẽ bán được với giá 5.5 tỉ đồng. Theo ông Khương, thực tế thị trường BĐS đang diễn ra như vậy.

Còn đối với thị trường hiện nay, vị chuyên gia này cho rằng, NĐT lướt sóng rất ít. Lướt sóng có 2 dạng là lướt sóng đối với người có tiền mặt sẵn, nếu không lướt được họ sẽ giữ làm tài sản lâu dàu. Còn đối với NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính thì nên cân nhắc việc lướt sóng trong bối cảnh thị trường hiện nay. Chẳng hạn, mua căn hộ 4 tỉ mà có 1-2 tỉ đồng trong tay thì nên cân nhắc đầu tư. Nếu mua mà không thoát được hàng trong thời gian dự kiến thì rủi ro tài chính là vấn đề với NĐT.

“Người có tiền lướt sóng không được thì giữ lại cho thuê, không vấn đề gì, tiền vẫn còn đó. Trong khi người ít tiền sử dụng tài chính nhiều thì rủi ro sẽ cao khi thị trường biến động”, TS Khương nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này khẳng định, đối với NĐT cá nhân vẫn xem BĐS nhà ở là kênh bảo toàn tài sản. Mặc dù thị trường BĐS còn gặp khó khăn về pháp lý, kinh tế khó khăn nhưng giá không có dấu hiệu giảm. Lý do theo TS Khương là nguồn cung nhà ở khan hiếm, tiền của NĐT vẫn chuyển hóa từ các kênh sang BĐS. Trong thời buổi loạn lạc, chiến tranh, dịch bệnh hầu hết các NĐT cá nhân đều chuyển sang trạng thái tài sản, còn NĐT tổ chức sẽ chuyển sang đầu tư BĐS và vàng là kênh trú ẩn. Chưa kể, theo vị chuyên gia Savills, đối với người dân Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng thì BĐS vẫn kênh đầu tư gần gũi nhất, họ muốn lưu trữ tài sản bằng BĐS.

Nguồn: Cafef.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *