Do lo ngại về trượt giá khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn sẽ tăng lên trong năm nay.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng chỉ ra, tính đến cuối năm 2021, giá BĐS ở nhiều loại hình đều tăng so với thời điểm cuối năm 2020. Đơn cử như, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%. Riêng, giá đất nền tăng 20-30%. Trong đó, giá giao dịch bình quân nhà ở riêng lẻ, đất nền dự án tăng mạnh.

Cụ thể, tại Tp.HCM, một số dự án cũng có mức độ tăng giá giao dịch bình quân cao trong quý: Dự án Saigon Mystery Villas (Quận 2) có giá khoảng 210 triệu đồng/m2, dự án KDC Nam Long (Quận 9) có giá khoảng 85 triệu đồng/m2, dự án Jamona Home Resort (TP Thủ Đức) có giá khoảng 60 triệu đồng/m2), dự án Làng đại học ABC (Huyện Nhà Bè) có giá khoảng 75 triệu đồng/m2.

Tại Đà Nẵng, giá giao dịch bình quân tại một số dự án như sau: Dự án One River (Ngũ Hành Sơn) có giá khoảng 61 triệu đồng/m2, dự án The Sun City Eco Island (quận Cẩm Lệ) có giá khoảng 48,3 triệu đồng/m2.

Còn tại một số thành phố khác như Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… giá đất nền trong các dự án bất sản khoảng 13-35 triệu đồng/m2. Riêng, tại tỉnh Khánh Hòa, giá giao dịch bình quân tại một số dự án như dự án Khu đô thị An Bình Tân (TP Nha Trang) có giá khoảng 30,7 triệu đồng/m2, dự án Mipeco Nha Trang (TP Nha Trang) có giá khoảng 43 triệu đồng/m2.

Hiện mặt bằng giá đất nền ở một số khu vực đã từng sốt tăng cao so với trước đó. Chẳng hạn như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ (Tp.HCM); TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai)… ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Đất nền tăng “nóng” sau Tết? - Ảnh 1.

Ghi nhận sau Tết nguyên đán, thị trường đất nền ven Tp.HCM có hiện tượng rục rịch cả về thanh khoản và giá bán. Nhiều nhà đầu tư âm thầm tìm nguồn hàng mua vào – bán ra liên tục; tạo nên những cơn sóng ngầm trên thị trường BĐS vùng ven. Tuy vậy, theo các chuyên gia, hiện tượng “nóng sốt” trên diện rộng trên thị trường khó diễn ra, mà chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương hưởng lợi từ quy hoạch, hạ tầng.

Chia sẻ trên báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh dự báo, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng giá đặc biệt là sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khi chương trình phục hồi kinh tế được triển khai. NĂM 2022 khả năng là năm “sốt” của một số phân khúc bất động sản. Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi từ tháng 10/2021 và mạnh nhất là từ tháng 11/2021. Tất nhiên mức độ phục hồi của từng phân khúc rất khác nhau.

Về nguồn cung, lực cung dự kiến sẽ cải thiện khi vấn đề gián đoạn do các biện pháp phong tỏa kiểm dịch có lẽ sẽ không lặp lại, nhưng mức độ chưa cải thiện nhiều, chủ yếu do các vướng mắc trong thủ tục pháp lý.

Về lực cầu, tiếp tục duy trì, thậm chí mạnh hơn khi nền kinh tế phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Hơn nữa, chương trình phục hồi kinh tế – xã hội giai đoạn 2022-2023 được Quốc hội thông qua hồi đầu tháng 1 vừa qua tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, việc tăng tốc giải ngân đầu tư công dự kiến cũng sẽ tạo động lực cho thị trường bất động sản, đặc biệt là xu hướng bất động sản công nghiệp.

Riêng phân khúc đất nền, theo TS Nghĩa, các nhà đầu tư vào phân khúc này khá đa dạng với nhiều quy mô khác nhau. Đây là phân khúc có sóng lớn nhất qua nhiều chu kỳ kinh tế và có vị thế khá vững để đầu tư. Rủi ro của phân khúc này vì thế cũng khá cao phụ thuộc vào quy hoạch, vào cơ sở hạ tầng và thủ tục pháp lý. Sóng đầu tư của phân khúc này sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

Theo báo cáo của DKRA Vietnam, nguồn cung mới đất nền trong năm 2021 sụt giảm mạnh khi chỉ đạt 47% so với năm 2020. Với việc thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kế hoạch giới thiệu sản phẩm và hoạt động bán hàng của các dự án. Khi quỹ đất tại TP. HCM ngày càng hạn chế làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm, thì thị trường tại các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT trở thành nguồn cung chủ lực, đặc biệt 2 tỉnh Long An và Đồng Nai chiếm khoảng 68% nguồn cung toàn thị trường. Các dự án quy mô lớn, quy hoạch tiện ích nội khu đa dạng, vị trí thuận lợi trong việc kết nối với các khu vực xung quanh và pháp lý rõ ràng có tỷ lệ giao dịch thành công cao.

Cũng chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân cho rằng, tâm điểm thị trường đất nền phía Nam sẽ là khu Đông Tp.HCM hoặc các đô thị vệ tinh tiếp giáp phía Đông Sài Gòn. Điểm nhấn mới của phân khúc này là các hạng mục hạ tầng giao thông sân bay Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Ở phía Nam Tp.HCM, Long An tiếp tục là thủ phủ đất nền khá lớn trong năm 2022.

Theo vị chuyên gia này, do lo ngại về trượt giá khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn sẽ tăng lên trong năm nay. Đối với nhóm bất động sản liền thổ, đất nền có giá vừa túi tiền hơn so với nhà phố, biệt thự hay shophouse nên sẽ hút các dòng vốn quy mô trung bình khá trở lên.

Nguồn: cafef.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.