Nhiều “ông lớn” BĐS thích thú mua quỹ đất quy mô hàng trăm đến hàng ngàn héc-ta tại vực lân cận Tp.HCM tạo ra các khu đô thị đẳng cấp, dịch vụ đầy đủ, vừa đảm bảo được câu chuyện biên lợi nhuận, vừa có giá trị cộng thêm cho khách hàng, theo các chuyên gia trong ngành, đây là tín hiệu cực kì tốt cho thị trường BĐS trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, xu hướng các chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân tiến về vùng ven, lân cận Sài Gòn để phát triển dự án quy mô là tín hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS.
“Lực đẩy” để tạo nên xu hướng này, theo ông Quang là quỹ đất tại Tp.HCM không còn, trong khi BĐS vẫn là sân chơi tốt, nên các “ông lớn” thích sở hữu quỹ đất lớn, hàng trăm đến hàng ngàn héc-ta, tạo ra các khu đô thị đẳng cấp, đầy đủ dịch vụ, giá thành rẻ. Nếu ở Tp.HCM, các chủ đầu tư khó lòng chọn được quỹ đất 100-200 héc-ta, thậm chí hiện tại vài chục héc-ta cũng không dễ dàng, thì tỉnh lân cận lại là mảnh đất còn màu mỡ về quỹ đất.
Theo ông Quang, với quỹ đất đủ lớn, các chủ đầu tư có thể đầu tư hệ sinh thái trong dự án, đầy đủ dịch vụ, cơ sở hạ tầng, có trường học, bệnh viện…đây là điều gần như chủ đầu tư lớn nào cũng muốn làm. Những cuộc “di cư” của doanh nghiệp địa ốc thời gian qua cho thấy, tiến về vùng ven để mang lại giá trị cộng thêm cho khách hàng, có sân chơi để chủ đầu tư “thoã thích vùng vẫy” với dự án được xem là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS.
“Không chỉ ở các thị trường quen thuộc như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, mà các thị trường mới như Đắc Nông, Đắc Lắc, Bình Thuận, Bình Phước…cũng đang xuất hiện nhiều dự án quy mô lớn được triển khai. Đây là tín hiệu tốt, hi vọng các chủ đầu tư làm đúng hệ sinh thái được thiết kế, như mục tiêu đề ra ban đầu”, ông Quang cho hay.
Cùng với sự dịch chuyển của CĐT, thì các nhà đầu tư cá nhân cũng đang tạo nên làn sóng sôi động cho thị trường BĐS vùng ven Tp.HCM. Theo ông Quang, bên cạnh quỹ đất, dự án khan hiếm thì giá thành cao ở khu trung tâm cũng khiến nhà đầu tư bắt buộc “dạt” về vùng ven để kiếm cơ hội đầu tư. BĐS chỉ cách nhau một con sông nhưng ở Tp.HCM giá gấp 3-4 lần so với tỉnh lân cận, đó là lý do nhiều NĐT tìm đến BĐS vùng ven để mua. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đã thay đổi văn hóa sở hữu BĐS, họ chấp nhận đầu tư, mua nhà -đất ở xa, thích đi du lịch, nhất là khi phương tiện di chuyển bằng xe hơi trở nên phổ biến hơn.
Quả thực, thời gian qua, thị trường chứng kiến làn sóng “di cư” mạnh mẽ về vùng ven của các doanh nghiệp BĐS Tp.HCM. Trong đó, tại thị trường Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bình Phước… đang dần hiện hữu lên các khu đô thị quy mô hàng trăm đến hàng ngàn héc-ta.
Chẳng hạn như, ông lớn BĐS Nam Long, vốn gắn liền với các dự án căn hộ “vừa túi tiền” tại Tp.HCM thì những năm qua đã mạnh dạn phát triển các dự án KĐT quy mô lớn tại tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, nhận được sự chú ý của thị trường BĐS. Có thể kể tên như KĐT Waterpoint (Bến Lức, Long An) quy mô 355 héc-ta; Izumi City (170 ha tại Đồng Nai), Cần Thơ 43 héc-ta…, trong đó, dự án KĐT Waterpoint tại Long An đang là “điểm nhấn” đầu tư của doanh nghiệp này.
Có quy mô lớn, với đủ dòng sản phẩm từ đất nền, nhà phố, đến biệt thự, shophouse, căn hộ…được đầu tư bài bản, dịch vụ khép kín đang đón nhu cầu khá lớn không chỉ từ người dân địa phương mà cả sức mua từ Tp.HCM.
Đáng chú ý, mới đây, dự án EHome Southgate nằm tại cửa ngõ dẫn vào KĐT Waterpoint 355 hecta đã chính thức được mở bán dưới sự hợp tác giữa Nam Long và Tập đoàn Nishi Nippon Railroad Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên đối tác Nhật Bản tham gia cùng doanh nghiệp này trong một dự án nhà ở “vừa túi tiền” với mức giá chỉ trên dưới 1 tỷ đồng/căn. Dự án có diện tích 4,5ha gồm 7 khối nhà chung cư, tương đương hơn 1.400 căn hộ và hiện tại đã thi công xong phần móng và hoàn thành nhà mẫu, nhận được sự quan tâm tích cực của thị trường.
Một ông lớn BĐS khác đã “di cư” thành công ra vùng ven Sài Gòn không thể không nhắc đến Novaland. Cùng lúc, năm 2019-2020, ba đại dự án quy mô 1.000 héc-ta ở Biên Hòa, Hồ Tràm và Phan Thiết (NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm và khu đô thị Aqua City) được triển khai bởi doanh nghiệp này, nhận được sự chú ý của thị trường BĐS.
Từng phát triển hơn 50 dự án nhà ở tại trung tâm Tp.HCM, trong những năm qua, “ông lớn” này cũng tích cực mở rộng quỹ đất ở nhiều địa phương vùng ven và hiện sở hữu tới hơn 5.400 ha đất. Trong các thương vụ được nhắc tới nhiều, có thể kể đến dự án Aqua City ở Đồng Nai với tổng diện tích lên tới hơn 1.000 ha. Theo thông tin từ doanh nghiệp này, chỉ riêng cho việc mở rộng quỹ đất ở Đồng Nai và các vùng lân cận Tp.HCM, Novaland đã chi hơn 1 tỷ USD trong năm qua.
Ở mỗi địa phương có dự án bất động sản được triển khai, Novaland đều tạo “điểm nhấn” bằng việc kiến tạo một hệ sinh thái đẳng cấp, phục vụ trọn vẹn nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, ở phân khúc nghỉ dưỡng, Novaland đang giữ vai trò dẫn dắt thị trường hướng vào một kênh đầu tư mới mẻ và hiệu quả là chuỗi bất động sản du lịch.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, GS Nguyễn Minh Hoà, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Tp.HCM, việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận các TP lớn là xu hướng tất yếu của thị trường. Hiện Tp.HCM không còn quỹ đất lớn để phát triển các KĐT quy mô, buộc doanh nghiệp đi ra ngoài, lựa chọn các khu vực có tiềm năng phát triển dự án lớn. Cùng với sự dịch chuyển của CĐT thì người mua cũng chấp nhận đi xa hơn để sở hữu BĐS, thay vì tìm BĐS ở nội thành với giá cao.
“Có nhiều lực đẩy để doanh nghiệp và người mua tiến về vùng ven, trong đó có các yếu tố ô nhiễm môi trường, nguồn nước, khói bụi, quá tải cơ sở hạ tầng, giá nhà cao… ở khu vực trung tâm. Việc phát triển dự án ngoài trung tâm đang tạo nên sự lựa chọn đa dạng hơn cho người mua”, GS Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.
Theo vị GS này lưu ý, các chủ đầu tư phải tạo ra tổ hợp sống đầy đủ để thu hút người dân về ở. Phát triển một KĐT không chỉ là nhà ở, là quy hoạch, môi trường mà còn là dịch vụ, tiện ích, người dân không phải đi đâu cả vẫn sống tốt trong dự án đó. Có như vậy, mới giữ chân được khách hàng, mới tạo ra được KĐT đáng sống tại vùng ven.
Chia sẻ trước đó, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, không chỉ Hà Nội hay Tp.HCM, có thể thấy rõ xu hướng mở rộng địa bàn ở cả các tỉnh vùng ven, nhất là nơi có tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị ở mức cao. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn cung quỹ đất tại các thị trường chính cũng buộc các doanh nghiệp phải chủ động trong việc mở rộng phạm vi hoạt động ra khu vực lân cận để tránh tình trạng “dẫm chân nhau” nếu tiếp tục săn tìm quỹ đất tại các địa bàn trung tâm. Ngoài ra, những năm gần đây, việc hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng liên tục được mở rộng và hoàn thiện cũng giúp các nhà phát triển bất động sản tự tin hơn khi triển khai dự án ở vùng ven.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cũng đã chỉ ra 3 khu vực có sự biến động giá BĐS cũng như thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian qua. Theo vị chuyên gia này, xét các tỉnh lân cận Tp.HCM thì Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 3 khu vực có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư BĐS tham gia thời gian qua.
Cụ thể, tại Bình Dương mặc dù không sôi động như 10 năm trước nhưng đây vẫn là thị trường BĐS đối trọng của Tp.HCM. Năm 2020, khi phân khúc căn hộ tại Tp.HCM cạn kiệt nguồn cung thì Dĩ An, Bình Dương xuất hiện loạt dự án nhà ở phân khúc trung cấp, bổ sung nguồn cung cho HCM. Thời điểm đó, khá nhiều NĐT từ Tp.HCM đã đổ về Bình Dương để đầu tư BĐS.
Tại Đồng Nai, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đổ về đây để mua BĐS. Nhất là thời điểm sân bay quốc tế Long Thành được triển khai thu hút rất nhiều nhà đầu tư về tìm hiểu phân khúc đất nền. Ngoài ra, các chủ đầu tư có dự KĐT quy mô tại Nhơn Trạch, Biên Hòa cũng là tâm điểm để thu hút các nhà đầu tư cá nhân về đầu tư BĐS. Đây là khu vực được đánh giá cao về khả năng kết nối hạ tầng giao thông với Tp.HCM và các khu lân cận. Loạt dự án đang được đầu tư, mở rộng, nâng cấp… là trợ lực rất tốt cho thị trường BĐS.
Trong khi đó, tại Long An lại có lợi thế khi xuất hiện các KĐT với đa dạng phân khúc từ đất nền, nhà phố đến biệt thự, shophouse của các chủ đầu tư địa phương và Tp.HCM khiến BĐS nơi đây sôi động.
Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp địa ốc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ trung tâm sang khu vực lận cận là điều dễ hiểu, bởi theo quy luật phát triển, doanh nghiệp không thể mãi đứng yên một chỗ mà phải luôn tìm tòi, khai phá những vùng đất mới tiềm năng để phục vụ cho các chiến lược dài hơi của mình. Ngoài gia tăng quỹ đất, việc mở rộng địa bàn còn giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thương hiệu một cách dễ dàng hơn, tạo lợi thế cạnh tranh khi tiến hành huy động vốn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị