Tài nguyên biển tại vị trí ở cửa ngõ giao thương với thế giới là điều kiện tiên quyết cho Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển hệ thống cảng biển có tầm cỡ khu vực như hiện nay. Đó cũng là tiền đề tất yếu để tỉnh phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics tương xứng. Nhờ đó, nhu cầu về nguồn nhân lực tại đây vô cùng lớn và liên tục tăng cao. Tạo nên làn sóng tuyển dụng cũng như cơ hội việc làm lớn trong lĩnh vực khai thác dầu khí, logistic tại Bà Rịa – Vũng Tàu
Hội tụ điều kiện phát triển lĩnh vực khai thác dầu khí, logistic khu vực
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có hệ thống cảng nước sâu và tiếp giáp với biển Đông; Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trên tuyến hàng hải quốc tế nối liền Bắc – Nam và Đông – Tây của thế giới. Nơi chiếm hơn 85% vận chuyển thương mại quốc tế. TP. Vũng Tàu là điểm cuối của Quốc lộ 51, chặng cuối cùng của đường xuyên Á (AH1), nối liền Việt Nam với các nước ASEAN qua cửa khẩu Mộc Bài.
Dựa trên những yếu tố đó, tỉnh xác định kinh tế biển đóng vai trò trọng yếu. Ngoài hoạt động khai thác dầu khí và các dịch vụ đi kèm, Bà Rịa – Vũng Tàu còn là một trong những trung tâm của cả nước về năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, hệ thống cảng có khả năng đón tàu công suất lớn hoạt động nhộn nhịp tại hành lang nước sâu trên sông Thị Vải – Cái Mép đã giúp Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định vị thế cửa ngõ kết nối giao thương với bên ngoài của vùng Đông Nam bộ và với quốc gia láng giềng Campuchia.
Tuy mới chỉ đi vào hoạt động có 26/52 dự án cảng biển và các cảng biển vẫn chưa hoạt động hết công suất, nhưng nhu cầu lao động cho cảng vẫn rất “nóng”. Để chủ động nguồn nhân lực cho cảng khi hàng loạt cảng mới đưa vào hoạt động, các nhà đầu tư cảng cho rằng địa phương cần có chính sách đào tạo đón đầu.
Toàn bộ hệ thống cảng Bà Rịa – Vũng Tàu gồm 52 dự án, đưa vào khai thác được 26 dự án cảng biển, công suất khoảng 76,5 triệu tấn/năm, trong đó: Thị Vải – Cái Mép: 14 dự án, Vũng Tàu – sông Dinh: 11 dự án và Côn đảo: 1 dự án. Lượng hàng thông qua cảng trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 22,9 triệu tấn, so với tổng công suất của 26 dự án cảng thì các cảng biển trên địa bàn tỉnh chỉ hoạt động khoảng 50%.
Lấy trung tâm logistics làm bệ phóng
Dịch vụ logistics là chuỗi dịch vụ trong quá trình thực hiện và kiểm soát dịch chuyển của hàng hóa từ điểm xuất tới điểm nhập. Quá trình logistics đối với hàng hóa qua cảng bao gồm nhiều công đoạn và thủ tục: đóng gói sản phẩm nơi xuất; vận chuyển tới trạm trung chuyển; lưu trữ tại kho bãi, vận chuyển tới cảng, lưu trữ tại kho bãi của cảng, thủ tục thông quan; kiểm soát chất lượng – số lượng, thương mại, an ninh, vệ sinh dịch tễ; kết nối cảng nơi nhận, giao hàng nơi nhận…
Có thể nói, đó là một quá trình nhiều khâu đòi hỏi chuyên môn sâu, trong khi đó việc ngân hàng lâu tại các điểm trung chuyển và tại các cảng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, uy tín của các bên xuất và nhập…
Hiện tại, hệ thống cảng tại Cái Mép – Thị Vải đã có khả năng tiếp nhận tàu 160.000 tấn, nhưng sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng mới chỉ là điều kiện cần tạo tiền đề cho phát triển trung tâm cảng trung chuyển quốc tế, sự chuyên nghiệp trong hoạt động logistics tại khu vực này được coi là điều kiện đủ.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhận thấy tầm quan trọng của logistics và quyết tâm phát triển địa phương này thành một trung tâm dịch vụ logistics. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020 ghi rõ: “Phát triển mạnh công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch…”
Thực tế, ngay từ khi có hoạt động giao thương tại hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vài từ năm 1998 thì hoạt động dịch vụ logistics đã được hình thành, nhưng cho đến nay các hoạt động này vẫn rời rạc, chưa có mạng lưới tổ chức thống nhất, chưa mang tính chuyên nghiệp. Hiện tại, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đang tập trung nguồn lực, với các giải pháp như kêu gọi đầu tư vào logistics, quy hoạch hệ thống kho bãi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về hải quan tại cảng, hoàn chỉnh hạ tầng… để xây dựng và phát triển một trung tâm logistics thực thụ.
Nhu cầu tuyển dụng nhân lực làm việc trong hệ thống cảng biển và khai thác dầu khí, logistic
Theo khảo sát, số lao động phục vụ cho một cảng biển trên địa bàn tỉnh dao động từ 200 đến 300 người tùy theo cảng, nếu 52 dự án cảng đi vào hoạt động thì nguồn nhân lực chuyên ngành cảng phải cần khoảng 13 ngàn lao động, đó là chưa kể tới nguồn lao động phục vụ cho các trung tâm logistics mà tỉnh đang triển khai quy hoạch, mỗi trung tâm này cần hàng ngàn lao động chuyên ngành. Từ đó cho thấy, nhu cầu lao động chuyên ngành cảng là rất lớn. Hiện nay, nhìn chung việc tuyển dụng được các lao động có kỹ năng cao (kỹ năng quản lý con người, kỹ năng mềm, tiếng Anh…) luôn gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn do số lượng ứng cử viên địa phương đáp ứng các yêu cầu đặt ra là quá ít.
Nắm bắt được thị trường lao động cần nhân lực cảng biển, Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký kết hợp tác với Tập đoàn đào tạo vận tải biển và giao thông Hà Lan nhằm đào tạo theo nhu cầu cho nguồn nhân lực hoạt động vận tải và hậu cần. Ngoài ra, trường Đại học Giao thông – Vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng đang có khoảng 190 sinh viên có hộ khẩu Bà Rịa – Vũng Tàu theo học chuyên ngành kinh tế vận tải biển và quản trị logistics tại trường. Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh giai đoạn 2011 – 2020; triển khai công tác quy hoạch ngành đưa vào bổ sung quy hoạch kinh tế – xã hội của tỉnh; Triển khai quy hoạch các trung tâm logistics ở Sao Mai – Bến Đình và Cái Mép Hạ. Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng đến việc lập đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành logistics, đưa một số cán bộ đi đào tạo quản lý.
Tình hình nói trên cho thấy những tín hiệu tích cực cho nguồn nhân lực của hệ thống cảng biển trong thời gian tới, nhưng vẫn là những chuyển động quá ít so với nhu cầu thực tế.