Cả Đồng Nai lẫn Bà Rịa – Vũng Tàu đều cho rằng việc xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là cần thiết, giúp kết nối với sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, thúc đẩy liên kết vùng.
Như Thanh Niên đã thông tin, hôm nay (23.5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc tại Hà Nội. Ngoài công tác lập pháp, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án đường cao tốc mới, trong đó có cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Tổng mức đầu tư của 5 dự án này lên tới hơn 200.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ lần lượt hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 2025 – 2027. Chính phủ cũng đề xuất nhiều chính sách đặc thù để thực hiện các dự án nói trên như việc giao cho các địa phương thực hiện dự án, cơ chế chỉ định thầu…
Quốc lộ 51 ngày càng kẹt xe nghiêm trọng
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 51 đoạn qua địa bàn Đồng Nai cũng như Bà Rịa – Vũng Tàu xảy ra thường xuyên vào các giờ cao điểm đã trở nên nghiêm trọng. Những điểm thường xuyên kẹt xe gồm đoạn chợ Long Bình Tân, ngã ba Bến Gỗ, ngã ba Nhơn Trạch (thuộc Đồng Nai); đoạn từ ngã ba Cái Mép về các khu công nghiệp trên địa bàn TX.Phú Mỹ (thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu).
Vào các ngày cuối tuần hoặc lễ tết, tình trạng càng nghiêm trọng hơn, xe cộ ùn ứ tại các điểm giao cắt với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và tại các trạm thu phí.
Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC), cho biết theo thiết kế, quốc lộ 51 có công suất 12.000 lượt xe/ngày đêm, nhưng hiện trung bình 32.000 lượt xe/ngày đêm, lúc cao điểm lên đến 48.000 lượt xe/ngày đêm.
Do đó tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên trên tuyến quốc lộ 51. Ông Hà cho biết thêm từ đầu năm 2022 đến nay, các trạm thu phí trên quốc lộ 51 đã có gần 200 lần xả trạm do kẹt xe.
“Không chỉ dịp lễ tết mà ngay cả những ngày cuối tuần, các trạm thu phí trên tuyến đường này cũng phải xả do lượng do quá đông, kẹt cứng”, ông Hà nói.
Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm: “Vào cuối tuần, dọc tuyến quốc lộ 51 có nhiều điểm ùn tắc giao thông lên tới nhiều cây số. Thời gian đi từ TP.Vũng Tàu tới TP.HCM có khi phải mất gần 5 tiếng đồng hồ cho chiều dài chỉ khoảng 100 km. Điều đó cho thấy việc chưa có tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là điểm nghẽn rất lớn cho sự phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và toàn khu vực Đông Nam bộ nói chung”.
Dự án cần thiết để phát triển vùng
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hoàn thành sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch trong việc kết nối liên kết vùng, phát huy vai trò của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng biển nước sâu đặc biệt của cả nước, là 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới.
Tuyến đường này sẽ đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển trung tâm logistics, cảng cạn, hệ thống kho bãi cho hệ thống cảng biển. Kết nối cảng biển với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khai thác thế mạnh về du lịch. Phát triển các khu vực kinh tế và dân cư trên các vùng đất dọc theo tuyến cao tốc đi qua.
Để phát huy tối đa hiệu quả của tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu khi dự án hoàn thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng với tuyến cao tốc như: cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép – Thị Vải, đường 991B. Hiện nay, tỉnh cũng đang tập trung đầu tư mở rộng tuyến đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận (khoảng 7.000 tỉ đồng), tuyến đường vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Về phía Đồng Nai, Sở GTVT Đồng Nai nói rằng quốc lộ 51 là tuyến độc đạo vận chuyển hàng hóa từ khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải đến các tỉnh trong khu vực. Việc lưu thông thường xuyên ùn tắc giao thông kéo dài ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội khu vực nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.
“Việc có thêm tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu để chia sẻ lưu lượng với tuyến quốc lộ 51, tăng cường giao thông kết nối đến sân bay Long Thành. Do đó việc sớm đầu tư, hoàn thành tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho hay.
Trước đó, ngày 17.5, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Minh Sơn dẫn đầu, đã đi khảo sát dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Theo đó, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế 4 vị trí trên tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu: gồm điểm đầu, điểm cuối, nút giao với đường tránh quốc lộ 1 (đường Võ Nguyên Giáp) và nút giao với tuyến đường kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành.ư
Nguồn: thanhnien.vn