Bên cạnh những thách thức nhãn tiền do dịch bệnh gây ra thì thị trường địa ốc cũng mở ra cửa sáng cho những doanh nghiệp có tiềm lực M&A các dự án bất động sản (BĐS).
Có thể thấy, sau mỗi giai đoạn khó khăn, thị trường BĐS lại hình thành một chu kỳ M&A mới với nhiều “tay chơi” nổi lên sau những thương vụ đình đám.
Gần đây nhất, có thể kể đến thương vụ Công ty Keppel Land bán toàn bộ 30% vốn còn lại tại dự án Waterfront Đồng Nai cho Công ty CP Đầu tư Nam Long, thu về 1.951 tỷ đồng vào cuối năm 2020 và dự kiến hoàn tất vào nửa đầu năm 2021…
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS BHS cho rằng đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp BĐS lớn, có tiềm lực thực hiện chiến lược M&A để thu gom quỹ đất chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. “Cuộc đua này tốt cho cả thị trường BĐS hiện nay khi dự án gặp khó có thể sẽ được “hồi sinh” sau M&A”, ông Tuyển nhận định.
Bên cạnh động lực từ thị trường thì việc “cởi trói” về pháp lý từ Chính phủ và các Bộ ngành cũng được xem sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động M&A các dự án BĐS.
Trong xu hướng tăng tốc của xu hướng M&A các dự án BĐS, theo nhận định của ông Nguyễn Thọ Tuyển thì việc chuyên nghiệp hóa hoạt động này cần được quan tâm hơn, đồng thời việc tham gia của những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp sẽ là một động cơ tốt để khơi thông các nhu cầu từ hai bên.
“Để cuộc “chạy tiếp sức” giữa các chủ đầu tư với nhau được liền mạch thì đơn vị tư vấn phải đóng gói được sản phẩm, tư vấn cho cả bên bán và bên mua dự án về quy hoạch, pháp lý… để có thể tối đa hóa giá trị gia tăng thông qua việc tham gia trực tiếp vào việc bán hàng sau giao dịch” – ông Tuyển chia sẻ.
Nguồn: Tạp chí tài chính