BR-VT xếp vị trí thứ 9 trên bản xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021. Đây là vị trí xếp hạng cao nhất từ năm 2017 đến nay của BR-VT. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu phát triển bền vững.
Đạt mục tiêu lọt vào top 10
Theo kết quả công bố Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 27/4 tại Hà Nội, với tổng 69,03 điểm, BR-VT xếp thứ 9/63 tỉnh thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2020 và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất. Như vậy trong 3 năm gần đây, BR-VT liên tục được tăng hạng. Năm 2019, nâng lên được 5 bậc so với năm 2018. Năm 2020 nâng được 1 bậc. Năm 2021, BR-VT nhảy vọt tăng 6 bậc so với năm 2020. Đây là mức cao nhất BR-VT đạt được trong vòng 5 năm qua. Kết quả này giúp BR-VT vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực Đông Nam Bộ, chỉ sau Bình Dương (thứ 6) và vượt qua TP. Hồ Chí Minh (thứ 14). Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 73,02 điểm. Tiếp đến là Hải Phòng, Đồng Tháp.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để có kết quả trên, trong năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt trong năm 2021, cũng như nhiều địa phương khác BR-VT chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 buộc chính quyền địa phương phải điều chỉnh phương thức hoạt động, quản lý, điều hành giúp người dân, DN vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh. Ngay sau khi dịch được kiểm soát, tỉnh tập trung nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài việc cắt giảm các thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh còn tổ chức các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN, nhà đầu tư. Nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của DN đã kịp thời được tháo gỡ.
PCI là một bộ chỉ số tổng hợp gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Xét trên bảng tổng sắp cho thấy hầu hết các chỉ số của BR-VT trong năm qua đều tăng điểm. Trong đó có nhiều chỉ số tăng điểm mạnh như chỉ số tiếp cận đất đai tăng từ 6,84% lên 7,01%; chỉ số tính minh bạch tăng từ 5,64 điểm lên 6,07 điểm; chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN tăng từ 6,22 điểm lên 7,81 điểm… Chỉ có 3 chỉ số giảm điểm so với năm 2020 là chỉ số gia nhập thị trường giảm từ 7,10 điểm xuống còn 6,48 điểm; chỉ số đào tạo lao động giảm từ 7,07 điểm xuống còn 6,56 điểm; chỉ số chi phí thời gian giảm từ 8,45 xuống còn 8,00 điểm.
Đáng chú ý, theo Sở TN-MT, trong 5 năm liên tiếp từ 2017 đến nay, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh BR-VT liên tục tăng điểm, trừ năm 2020 giảm nhẹ. Để đạt được kết quả này là nhờ ngành TN-MT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: ban hành kế hoạch nâng cao chỉ số thành phần tiếp cận đất đai tỉnh hàng năm; cắt giảm TTHC; ban hành quy chế phối hợp trong việc liên thông thuế điện tử với Cục Thuế tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc giải quyết thủ tục cấp GCNQSDĐ… Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục đạt ở mức cao trên 99%.
Giảm bớt gánh nặng chi phí không chính thức
Điều tra PCI của cả nước trong năm qua cho thấy, trong bối cảnh năm 2021 khó khăn chưa từng có do dịch COVID-19, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian, theo đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng. Các chỉ tiêu đánh giá chi phí không chính thức đã tiếp đà xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2021 có 41,9% DN FDI cho biết không chi trả chi phí không chính thức, đây là con số tích cực nhất từ năm 2020 trở lại đây. Tuy vậy vẫn còn 1,7% DN phải dành hơn 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, nhích nhẹ so với năm 2020 là 1,2%.
Tương tự, các DN không thuộc khối FDI cũng cho biết năm 2021 họ phải dành 5-10% doanh thu cho chi phí không chính thức, trong khi những năm trước đó chi phí không chính thức chỉ có 2,1%. “Đây là những vấn đề cần khắc phục, nếu không DN có lợi thế sẽ không phải là DN kinh doanh giỏi mà là DN quan hệ tốt”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận xét.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo các địa phương chia sẻ, để giảm chi phí không chính thức, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà DN của một bộ phận cán bộ, công chức, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng giúp các bên mời thầu, nhà thầu tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian và các chi phí thực hiện TTHC; rà soát, điều chỉnh, giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không cần thiết đối với DN.