Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bất động sản vẫn hấp dẫn nhiều người, vẫn là kênh đầu tư bảo toàn vốn an toàn trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều tín hiệu khả quan

Tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương cho thấy, trong quý 2-2021 có 29.949 giao dịch bất động sản thành công.

Tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng101% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tại Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công, bằng khoảng 20% so với quý trước. Tại TP.HCM có 3.002 giao dịch thành công, bằng khoảng 87% so với quý trước.

Cụ thể, tại miền Bắc có 6.384 giao dịch thành công, tại miền Trung có 7.300 giao dịch thành công và tại miền Nam có 16.265 giao dịch thành công.

Nhìn chung, các giao dịch thành công vẫn tập trung nhiều ở phân khúc trung cấp và cao cấp.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, khả năng hấp thụ của thị trường quý 2 tốt hơn. Trong quý này không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp.

Lượng bất động sản tồn kho chưa được giao dịch hầu như chỉ có ở các nhà đầu tư thứ cấp và một số loại hình bất động sản đang chịu tác động nặng nề của Covid-19 như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Về nguồn vốn đầu tư, Bộ Xây dựng cho rằng tuy tổng vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm nay tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 300 triệu USD.

Mức vốn tăng dần từ cuối tháng 3 đến tháng 6.2021 từ 0,6 tỉ USD đến 1,15 tỉ USD. Theo đó, vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản cũng có xu thế tăng dần theo tháng.


Như vậy, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang được đánh giá có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản.

Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh (tăng 44,8%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch, mục tiêu lợi nhuận cao hơn năm 2020.

Đơn cử, trong năm 2021, Novaland có kế hoạch bàn giao 18 dự án gồm Saigon Royal Residence, The Grand Manhattan, Golden Mansion, Orchard Parkview… và nhiều dự án khác tại các tỉnh thành gồm Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Novaland đặt mục tiêu doanh thu 27.491 tỉ đồng, tăng 447% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế 4.100 tỉ đồng, tăng 5% so với năm 2020.

Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.230 tỉ đồng, tăng 41% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.008 tỉ đồng.

Để đạt kế hoạch kinh doanh trên, Vinaconex sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện và đẩy mạnh công tác bán hàng tại Khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC), dự án Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond số 93 Láng Hạ (Hà Nội), dự án Khu đô thị đại lộ Hoà Bình (Quảng Ninh) kéo dài, Khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25).

Mọi dòng tiền cuối cùng vẫn sẽ chảy vào bất động sản

Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS Group, cho rằng chúng ta đang có nhiều cơ hội.

Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn mọi thứ, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm cho nhiều ngành nghề khốn đốn.

“Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn là một kênh đầu tư tốt, bảo toàn vốn lâu dài và an toàn”, ông Tuyển nhận định.

Có 5 lý do được CEO BHS Group đưa ra cho nhận định trên.

Thứ nhất, lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức thấp, lạm phát cũng được được kiểm soát tốt.

Thứ hai, dòng tiền tiếp tục đổ vào các kênh đầu tư tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí tiền ảo.

“Đây là một dấu hiệu bất thường, nhưng cũng làm cho ngành tài chính hưởng lợi. Bằng chứng là thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm và ngày càng nhiều nhà đầu tư F0. Mọi dòng tiền có chạy đi đâu thì cuối cùng cũng chốt lời vào bất động sản”, ông Tuyển khẳng định.

Thứ ba, thực trạng nguồn cung khan hiếm. Nhiều người cho rằng đây là điều bất lợi, nhưng trong thời điểm này thì nguồn cung hiếm là chốt chặn cho thị trường phát triển.

Những sản phẩm có pháp lý minh bạch, có tiến độ tốt, có hạ tầng, có “gu” vẫn được các nhà đầu tư săn tìm.

Bằng chứng là giá đất nền trung tâm các tỉnh vẫn đang tăng, giá chung cư ở TP. HCM và Hà Nội tăng khoảng 8-15% trong năm qua. Đặc biệt, loại hình Second home sở hữu lâu dài được các nhà đầu tư tìm mua rất lớn.

Thứ tư, việc khó khăn trong kinh doanh ở một số ngành lại là thuận lợi cho bất động sản.

Khi lãi suất thấp mà vốn không kinh doanh trong ngành của mình được, nhiều người sẽ muốn đầu tư sang kênh khác có lợi hơn, trong đó có bất động sản.

Thứ năm, công nghệ giúp việc kinh doanh bất động sản không quá khó. Bằng chứng là khi Hà Nội và TP. HCM giãn cách theo chỉ thị 16, việc gặp gỡ khách hàng trở nên khó khăn, nhưng một số nhân viên bán hàng (sale) vẫn bán được hàng.

Họ có thể cung cấp vị trí dự án, tiến độ, các chính sách bán hàng hoàn toàn online. Họ thay những buổi mở bán ở khách sạn trước đây với vài trăm khách trên một sự kiện bằng một buổi bán hàng online có thể thu hút được vài chục ngàn lượt xem và hàng trăm booking online.

Mặc dù vậy, theo ông Tuyển, không phải ai cũng có những điều kiện thuận lợi nêu trên.

Nếu là nhà đầu tư, người đó cần có kiến thức và có những nguồn thông tin tin cậy. Nếu là nhân viên bán hàng, người đó cần kiên trì và nhanh chóng học hỏi những kỹ năng mới. Đặc biệt là biết sử dụng các công cụ online.

Theo Cafeland

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *