Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM dù chưa hình thành, nhưng đang có nhiều dự án bất động sản được đầu tư nhằm đón đầu tuyến đường huyết mạch này.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Trong một buổi trao đổi vào cuối tuần qua với nhóm lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán được tham gia, hầu hết ý kiến đều cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, hệ thống đường vành đai tại TP.HCM nói riêng vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đặc biệt, các công trình trọng điểm có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội chưa kịp thời đầu tư, khai thác đồng bộ, từ đó ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.
Đơn cử như dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, được quy hoạch từ năm 2011 và là một trong những tuyến đường huyết mạch đóng vai trò kết nối với các tuyến cao tốc của Thành phố, nhưng tới Kỳ họp thứ 3 vừa diễn ra, Quốc hội khóa XV mới thông qua chủ trương đầu tư.
Ông Vũ Quốc Hùng, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại TP. Thủ Đức, TP.HCM cho hay, đây là tuyến đường đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Khi đường Vành đai 3 hoàn thiện sẽ tạo hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 địa phương gồm Long An, Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai, mà còn tác động lan tỏa ra toàn khu vực phía Nam. Đây là tuyến đường có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản phía Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản T.N có trụ sở tại tỉnh Long An cho hay, khi tuyến đường này hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của các thành phố vệ tinh tại TP.HCM, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương phía Nam, đồng thời tăng cường kết nối các đô thị vệ tinh và khu công nghiệp tại vùng lõi Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM ra khu vực ngoại thành cũng như các khu vực trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Long An, Bình Dương.
“Mở tuyến đường cũng là mở ra cơ hội và khả năng hợp tác, phát triển giữa các địa phương phía Nam nói chung, khu vực Đông Nam Bộ nói riêng, tạo điều kiện để người dân tiếp cận và đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực này, giảm áp lực nguồn cung bất động sản cho TP.HCM”, ông Thắng nói, đồng thời cho rằng, diện mạo các thị trường bất động sản TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai sẽ nhanh chóng thay đổi khi tuyến đường Vành đai 3 hoàn thành.
Nhà đầu tư Nguyễn Thị Hoa (52 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM), người có nhiều năm đầu tư bất động sản tại phía Nam cho biết, hiện khách hàng không mấy mặn mà với thị trường bất động sản Long An do bất tiện trong di chuyển, khi những tuyến đường chính đi từ TP.HCM tới Long An hiện nay n Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50… thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe.
“Năm 2018, tôi mua 2 căn nhà phố tại một dự án ở huyện Bến Lức, chủ đầu tư cam kết lợi nhuận tốt nhất, thế nhưng trước khi nhận nhà vào năm 2020, tôi chật vật bán cắt lỗ do giá bất động sản khu vực này giảm nhanh vì hạ tầng chưa phát triển, đi lại khó khăn”, bà Hoa kể.
Hay như khu vực huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thông tin xây dựng một loạt dự án hạ tầng quan trọng như cầu Cát Lái, sân bay Long Thành, tuyến đường Vành đai 3 (đoạn Nhơn Trạch – TP.HCM dài hơn 30 km)… khiến thị trường bất động sản nơi đây liên tục “sốt nóng”. Tuy nhiên, đến nay, chỉ dự án sân bay Long Thành được triển khai, còn những dự án khác vẫn “án binh bất động” khiến không ít nhà đầu tư bị “kẹt hàng” do giá nhà đất không tăng như kỳ vọng.
Cần làm sớm, đồng bộ
Tại một cuộc hội thảo về tính cấp thiết của một số công trình giao thông trọng điểm vừa được tổ chức tại TP.HCM, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu có khả năng hình thành vùng công nghiệp không chỉ riêng phía Nam, mà còn của cả nước khi có thể kết nối các vùng kinh tế, các cụm cảng và các khu công nghiệp lớn, nhưng để hiện thực hóa cần phải có hạ tầng, trong khi hiện nay các tuyến đường vành đai vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, dẫn đến việc các cảng biển, cảng nước sâu, sân bay… chưa phát huy hết hiệu quả, các đô thị vệ tinh chưa nối kết thông suốt với khu vực trung tâm.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM cho biết, các đơn vị liên quan của Thành phố đang gấp rút tiến hành các hạng mục chuẩn bị triển khai xây dựng của đường Vành đai 3 sau khi Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư.
Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM giai đoạn 1 dài hơn 76 km có tổng vốn đầu tư 75.377 đồng, thực hiện bằng vốn ngân sách trung ương và địa phương. Dự án sẽ đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Đường song hành được làm từ 2-3 làn xe, bố trí không liên tục tùy theo nhu cầu phát triển đô thị hai bên.
Dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô hoàn chỉnh từ 63-74,5 m, riêng đoạn gần nút giao Tân Vạn (TP. Thủ Đức) rộng 120 m. Phương án giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh sẽ quản lý được quỹ đất để đầu tư tăng làn xe theo quy hoạch. Mặt khác, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư thấp hơn do giá đền bù thu hồi đất ngày càng tăng.
“Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương kiến nghị tách dự án thành 8 dự án thành phần để thuận lợi trong việc thực hiện. TP.HCM vẫn là cơ quan điều phối chung để đảm bảo kết nối toàn bộ dự án”, ông Phúc thông tin thêm.
Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM cho hay, với bất kỳ dự án hạ tầng giao thông nào, giải phóng mặt bằng thường là khâu gặp nhiều vướng mắc nhất và dự án đường Vành đai 3 cũng không là ngoại lệ, dù có sự phân vai trách nhiệm rõ ràng giữa ngân sách trung ương và địa phương.
“Trong bối cảnh giá đất tăng cao như hiện nay, cần có cơ chế, chính sách đền bù phù hợp cho người dân cắt đất làm dự án, tránh để công tác giải phóng mặt bằng bị tắc nghẽn. Trong trường hợp có ách tắc, các cơ quan Trung ương cũng cần xắn tay cùng với địa phương có giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ đề ra”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Nguồn: bds.tinnhanhchungkhoan.vn