(TN&MT) – Ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù trải qua 2 làn sóng Covid-19, nhưng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn có thể coi là điểm sáng bởi các tác nhân như một số Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam…
Giá thuê mặt bằng khu công nghiệp tăng mạnh
Theo Báo cáo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, trong năm 2020, bất động sản khu công nghiệp là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Tại quý 4/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp 5 tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại 4 tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) đạt 87,0%.
Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên cả nước. Mức giá chào thuê đất của một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP.HCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% đến 30% theo năm, giá chào thuê đất công nghiệp trung bình tại miền Bắc khoảng 1,8 triệu/m2/chu kỳ thuê; Tại miền Trung giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 768 nghìn/m2/chu kỳ thuê; Tại miền Nam giá chào thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 1,7 triệu/m2/chu kỳ thuê.
Hoạt động của kho và nhà xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020; giá chào cho thuê nhà xưởng tại các khu công nghiệp trung bình khoảng 60 – 80 nghìn đồng/m2/tháng. Trong đó, giá chào thuê nhà xưởng tại các tỉnh phía Bắc trung bình khoảng 90 nghìn đồng/m2/tháng; miền Trung khoảng 65 nghìn đồng/m2/tháng; miền Nam giá chào thuê khoảng 70 nghìn đồng/m2/tháng.
Lý giải việc bất động sản công nghiệp Việt Nam trở thành “điểm nóng”, bà Hoàng Nguyệt Minh – Phó Giám đốc Tư vấn Đầu tư – Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa các ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển logistics.
Môi trường đầu tư của Việt Nam đang nỗ lực đổi mới và ngày càng cải thiện. Những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm, sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp đã khiến thị trường bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới.
Nguồn cung hạn chế
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong năm 2020 thị trường bất động sản công nghiệp mạnh lên và sôi động ở nhiều tỉnh, thành phố. Hiện nay, Việt Nam có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt bình quân trên 70%.
Dự kiến, trong năm 2021, sự dịch chuyển sản xuất và lắp đặt hàng hóa từ khu vực ngoài tiếp tục chuyển hướng vào Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng bất động sản công nghiệp trong nước. Theo đó, nhiều khu công nghiệp mới tiếp tục tham gia thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Sẽ có nhiều dự án mới phát triển hạ tầng khu công nghiệp được phê duyệt. Nhiều dự án logicstics phục vụ khu công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, bất động sản công nghiệp đang có hạn chế về nguồn cung. Nhất là nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp. Đây chính là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản công nghiệp.
Nguồn: báo Tài nguyên môi trường