Hơn 5 triệu người đã trở thành triệu phú trong đại dịch nhờ giá nhà tăng vọt và thị trường chứng khoán phục hồi.

Báo cáo thịnh vượng toàn cầu của ngân hàng đầu tư Credit Suisse tiết lộ tài sản trên mỗi người trưởng thành trên thế giới đã tăng 6% vào năm ngoái, đạt đỉnh cao mới là 79.952 USD (khoảng 57.598 bảng Anh).

Tổng tài sản toàn cầu của các hộ gia đình đã tăng 7,4%, tương đương 28,7 nghìn tỷ đô la (tương đương 20,7 nghìn tỷ bảng Anh) lên 418,3 nghìn tỷ đô la (301,3 nghìn tỷ bảng Anh) vào cuối năm 2020, một phần được hỗ trợ bởi tỷ giá hối đoái.

Sự gia tăng tài sản hộ gia đình có nghĩa là thế giới có đến 56,1 triệu triệu phú vào năm 2020, tăng 5,2 triệu so với năm 2019 trước khi đại dịch diễn ra.

Nghiên cứu của Credit Suisse ước tính 17,5 nghìn tỷ đô la (12,6 nghìn tỷ bảng Anh) – tương đương 4,4% – đã bị mất khỏi tổng tài sản hộ gia đình toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020 khi bắt đầu cuộc khủng hoảng về sức khỏe.

Nhưng báo cáo cho biết điều này đã đổi chiều mạnh mẽ vào cuối tháng 6/2021, khi tài sản của các cá nhân tăng vọt nhờ thị trường chứng khoán phục hồi và giá nhà cao kỷ lục.

Thị trường chứng khoán và nhà ở đã đạt được những kết quả thần kỳ khi các ngân hàng trung ương giảm lãi suất xuống mức thấp nhất trong lịch sử và tung ra các chương trình in tiền khổng lồ để bù đắp ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch, bên cạnh các kế hoạch hỗ trợ khổng lồ khác của chính phủ.

Anthony Shorrocks, nhà kinh tế học và là tác giả của báo cáo, cho biết: “Sự thịnh vượng trên toàn cầu không chỉ ổn định dù phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn do đại dịch, mà trên thực tế còn tăng lên nhanh chóng trong nửa cuối năm vừa qua”.

Ông cho biết thêm: “Thực tế, việc tạo ra thêm của cải vào năm 2020 dường như hoàn toàn không bị tác động bởi những khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra. Nhưng nếu không tính giá nhà tăng lên thì tổng tài sản của các hộ gia đình trên toàn cầu có thể đã giảm”.

Nannette Hechler-Fayd’herbe, Giám đốc phụ trách đầu tư quản lý tài sản quốc tế và Trưởng bộ phận kinh tế và nghiên cứu toàn cầu tại Credit Suisse, nhận định: “Không thể phủ nhận các nỗ lực của chính phủ và ngân hàng trung ương khi triển khai các chương trình khổng lồ nhằm hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Bằng cách hạ lãi suất, họ đã ngăn chặn thành công một cuộc khủng hoảng toàn cầu quy mô lớn”.

Bà nói thêm: “Việc các ngân hàng trung ương hạ lãi suất có lẽ có tác động lớn nhất. Đó là lý do chính khiến giá cổ phiếu và giá nhà tăng mạnh. Những điều này tác động trực tiếp đến định giá tài sản hộ gia đình trong báo cáo của Credit Suisse”.

Phân tích theo khu vực cho thấy Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm phần lớn tổng thu nhập từ tài sản vào năm 2020, tăng lần lượt 12,4 nghìn tỷ đô la (8,9 nghìn tỷ bảng Anh) và 9,2 nghìn tỷ đô la (6,6 nghìn tỷ bảng Anh).

Báo cáo cho thấy chủ sở hữu nhà ở và những người có danh mục đầu tư cổ phiếu lớn được hưởng lợi nhiều nhất trong năm 2020. Khối lượng tài sản tăng lên phần lớn rơi vào túi của những người ở độ tuổi cuối trung niên, nam giới và các nhóm giàu có nói chung.

Báo cáo cũng chỉ ra thêm, lao động nữ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ​​đại dịch trong giai đoạn đầu, một phần do họ có tỷ lệ đại diện cao trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh nhất, chẳng hạn như bán lẻ và khách sạn.

Nguồn Cafeland

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *